Điều gì khiến 'Vua tôm' Thủy sản Minh Phú (MPC) chịu mức lỗ kỷ lục?
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã cổ phiếu MPC) kỳ vọng công nghệ nuôi tôm sinh học do tập đoàn tự phát triển với tên gọi MPBio 5 trong 1 sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Giá vốn “ăn mòn” lợi nhuận
Báo cáo tài chính quý 4/2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã cổ phiếu MPC - sàn UPCoM) cho thấy tập đoàn ghi nhận doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, đạt xấp xỉ 3.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng vọt, khiến Thủy sản Minh Phú lỗ ròng 187 tỷ đồng - mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết, dù đã nỗ lực tiết giảm mạnh chi phí bán hàng, chi phí tài chính và tăng doanh thu tài chính nhưng hiệu quả kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm và sản xuất giống thấp do trái vụ thu hoạch, dẫn đến kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.
![Thủy sản Minh Phú ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục trong năm 2024 trong bối cảnh giá vốn hàng bán tăng vọt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_503_51477298/657374c4468aafd4f69b.jpg)
Thủy sản Minh Phú ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục trong năm 2024 trong bối cảnh giá vốn hàng bán tăng vọt.
Một số doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn cũng cho biết hoạt động nuôi tôm trong quý 4/2024 đối mặt với loạt khó khăn trong bối cảnh giá tôm xuất khẩu chưa hồi phục như kỳ vọng, chi phí tức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến giá tôm thương phẩm bật tăng từ tháng 8/2024. Thông thường hàng năm, thời gian này là cao điểm thu hoạch tôm nuôi nên mặt bằng giá sẽ ở mức thấp. Diễn biến năm nay đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào.
Lũy kế cả năm 2024, Thủy sản Minh Phú ghi nhận mức lỗ hơn 240 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, bất chấp doanh thu tăng 38%, đạt hơn 14.700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này cũng chỉ còn 7,6%, xác lập mức thấp kỷ lục mới, chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng cao, trong khi các chi phí khác chỉ tăng nhẹ.
Thủy sản Minh Phú hiện là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc trong chuỗi giá trị tôm khép kín.
Đặt kỳ vọng vào công nghệ nuôi tôm sinh học
![Thủy sản Minh Phú đang triển khai công nghệ nuôi tôm sinh học MPBio nhằm giảm giá tôm nguyên liệu, tăng chất lượng sản phẩm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_503_51477298/88209f97add944871dc8.jpg)
Thủy sản Minh Phú đang triển khai công nghệ nuôi tôm sinh học MPBio nhằm giảm giá tôm nguyên liệu, tăng chất lượng sản phẩm.
Thủy sản Minh Phú kỳ vọng kết quả kinh doanh trong thời gian tới sẽ được cải thiện khi công nghệ nuôi tôm sinh học do tập đoàn tự phát triển với tên gọi MPBio 5 trong 1 phát huy hiệu quả.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú, công nghệ MPBio 5 trong 1 với việc mô phỏng môi trường tự nhiên, nuôi bằng nước biển có độ mặn cao; kết hợp kiểm soát môi trường nuôi bằng các công nghệ số, giám sát ao nuôi 24/24 và ra quyết định dựa trên dữ liệu; hạn chế sử dụng các loại kháng sinh; và thu hoạch, vận chuyển tôm sống đến nhà máy chế biến.
Công nghệ này có thể giúp nâng tỷ lệ sống của tôm lên mức 80%, cao hơn nhiều so với các phương pháp nuôi truyền thống. Diện tích mặt nước thả giống cũng được gia tăng từ 30% lên 60%, giúp nâng cao khả năng phát triển của tôm. Công nghệ này giúp giảm chi phí sản xuất tới 50% và tăng lợi nhuận từ 10 - 20% so với mô hình nuôi tôm cũ.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang cũng thừa nhận việc đổi mới kỹ thuật đang gặp khó khăn do thói quen canh tác lâu năm của người nông dân Việt Nam, khiến việc áp dụng gặp thách thức. Ông tin rằng nếu triển khai thành công, giá thành tôm nguyên liệu sẽ xuống thấp, và kỳ vọng doanh số của tập đoàn sẽ đạt trên 70.000 tấn/năm.
Theo dữ liệu của Chứng khoán Phú Hưng, Thủy sản Minh Phú đang sở hữu 02 vùng nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích là 1.200 ha, do các công ty con - Minh Phú Lộc An ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 300 ha và Minh Phú Kiên Giang với diện tích 900 ha vận hành.
Sản lượng tối đa của 2 vùng nuôi này có thể đạt 30.000 tấn/năm. Cả 2 vùng nuôi chủ yếu áp dụng công nghệ 2-3-4 (nuôi theo 2 giai đoạn, thu tỉa 3 lần, đảm bảo 4 sạch) và đang chuyển dần sang dùng công nghệ MPBio.
Tuy nhiên, tỷ lệ tự chủ nguyên liệu từ vùng nuôi này cho các nhà máy chế biến chỉ ở mức 10%, 90% còn lại phụ thuộc vào các vùng nuôi hợp tác với nông dân. Thủy sản Minh Phú cho biết, thay vì cố gắng chủ động nguyên liệu, công ty định hướng đầu tư cho người nông dân liên kết để nuôi tôm với giá thành rẻ hơn. Đổi lại, tập đoàn có thể mua tôm giá rẻ và tập trung vào thế mạnh của mình là chế biến và xuất khẩu.
Báo cáo tài chính cho thấy Thủy sản Minh Phú đang tiếp tục trích lập dự phòng tại công ty con Minh Phú Lộc An và Minh Phú Kiên Giang hơn 50% vốn gốc.