Đề xuất Thủ tướng có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ

Thống nhất cao quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề, công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, nhưng đại biểu cho rằng, cần cơ chế giám sát hiệu quả.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh).

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh).

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi (Dự thảo) quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng. Tuy nhiên, chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Nhận xét này được đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đưa ra khi thảo luận tại hội trường về Dự thảo, sáng 14/2.

Theo đại biểu Bình, thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Vì thế, ông Bình đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.

Cũng góp ý về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đai biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) bày tỏ thống nhất rất cao với quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định những vấn đề, công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Quy định này phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia của Thủ tướng, ông Thân nói và dẫn chứng, cách đây không lâu, Nghị định 137/2020/NĐ-CP vẫn giao Thủ tướng quyết định bắn pháo hoa ở các lễ hội. Có nghĩa những công việc sự vụ, rất nhỏ vẫn cứ giao Thủ tướng và cứ như vậy thì Thủ tướng không còn thời gian để làm công việc quản trị nền quản trị quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), cũng đề nghị luật phải nêu rõ Thủ tướng chỉ quyết định những vấn đề liên bộ, liên ngành hoặc các dự án lớn.

Ông Huân nói, nếu không quy định thì rất nhiều vấn đề cụ thể, sự vụ như vận hành một hồ thủy điện, xả nước để tưới tiêu cho nông nghiệp nhưng cũng phải xin ý kiến Thủ tướng.

"Cái này hạn chế quyền hạn các bộ rất nhiều, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các bộ. Trong khi, các bộ chuyên ngành mới nắm vững, nắm rõ”, đại biểu Huân phát biểu.

Vị đại biểu Bình Dương nêu thêm ví dụ, quy định thẩm quyền quyết định các dự án năng lượng tái tạo hiện nay giao Thủ tướng quyết định các dự án từ 50 MW trở lên, từ 30 - 50 MW giao Bộ Công thương quyết định, còn dưới 30 MW thì địa phương quyết định. Dải phân cấp không đủ lớn, theo đại biểu dẫn tới tình trạng nhiều dự án chỉ làm tới 49 MW để được Bộ Công thương quyết định dự án.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị phân định rõ quyền hạn giữa Thủ tướng và địa phương hiện nay đang gây nhiều khó khăn, cản trở cho hoạt động của các địa phương.

Ví dụ vừa qua một số địa phương lập quy hoạch tỉnh đã bỏ sót các nhà máy nước đang hoạt động ngay trên địa bàn. Tới nay, khi quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, các nhà máy nước muốn mở rộng không được vì không nằm trong quy hoạch. “Muốn điều chỉnh quy hoạch để mở rộng lại phải trình Thủ tướng”, ông Huân nêu.

Đồng tình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ đồng tình cao với quy định mới, cho phép địa phương được đề xuất phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết.

Đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, nhà nước đã được luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hảm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị đại biểu Trà Vinh cũng nêu thực tế, thời gian qua có nhiều lãnh đạo địa phương đã có văn bản kiến nghị, sau đó, có thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng cũng không thể triển khai được các kiến nghị với ly do là đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện.

“Cuối cùng, điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn”, ông Tuấn nói và đề nghị luật quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết.

Lo ngại khả năng cát cứ quyền lực khi thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để như trong Dự thảo, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nói phân quyền mạnh mẽ khiến một số địa phương có thể tự quyết định theo lợi ích của địa phương mình mà không nhất quán chính sách chung của quốc gia. Một số tỉnh thành giàu tài nguyên, kinh tế mạnh có thể tận dụng phân quyền có thể thiết lập chính sách ưu đãi riêng gây bất bình đẳng với các địa phương.

Các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện gây trì trệ, thậm chí làm quyền, lạm dụng để trục lợi.

Ông Khải đề xuất bổ sung nguyên tắc phân quyền có điều kiện, chỉ phân quyền khi địa phương có đủ năng lực tài chính, nhân lực quản trị, xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi thực hiện.

Vị đại biểu Hà Nam cũng cho rằng, cần tăng cường giám sát ở trung ương, trong đó thành lập hội đồng kiểm soát phân quyền để kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-thu-tuong-co-quyen-kien-nghi-bo-phieu-tin-nhiem-bo-truong-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-d246373.html
Zalo