Phân định rõ thẩm quyền sẽ giúp giải phóng các nguồn lực phát triển

Hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo hiến định là nội dung quan trọng, căn cơ và thể hiện tính đột phá của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Dù vậy, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sáng 14.2, có ý kiến cho rằng, phân định rõ thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương sẽ tạo thuận lợi trong quá trình điều hành, góp phần giải phóng các nguồn lực phát triển.

Cần xác định rõ hơn thẩm quyền của Trung ương và địa phương

Cho ý kiến với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại phiên họp sáng 14.2, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) tán thành cao với quy định tại khoản 5, Điều 6 dự thảo Luật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Cho rằng “quy định nêu trên rất phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia của Thủ tướng”, đại biểu Lê Xuân Thân dẫn chứng, tại Nghị định 137/NĐ-CP vẫn giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bắn pháo hoa ở các lễ hội, có nghĩa là những công việc sự vụ, công việc rất nhỏ nhưng vẫn cứ giao cho Thủ tướng, cứ như vậy thì Thủ tướng không còn thời gian để lo công việc quản trị nền hành chính quốc gia.

Đại biểu cũng lưu ý, tại dự thảo Luật mới có quy định giải thích khái niệm phân quyền, chưa giải thích các khái niệm về phân cấp, ủy quyền. Trong khi đó, phân cấp và ủy quyền khác nhau về thời gian thực hiện: thời gian thực hiện của ủy quyền là có thời hạn, còn thời gian của phân cấp là thường xuyên, liên tục, “coi như giao luôn”. Do đó, cần phải định lượng và thiết kế lại để bảo đảm không lẫn lộn giữa phân cấp và ủy quyền.

 ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng băn khoăn khi Điều 7 dự thảo Luật về phân quyền chưa định nghĩa rõ việc nào của địa phương, việc nào của Trung ương. “Trong khi đó, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ được quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật đã xác định rõ phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương”. Dẫn ra quy định này, đại biểu cho rằng, khi không quy định những việc nào được coi là việc ở địa phương, sẽ rắc rối trong quá trình điều hành.

Cũng về vấn đề này, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, việc khoản 6, Điều 7 dự thảo Luật quy định rõ “chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết” là việc nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện suôn sẻ và thông suốt các nội dung phân quyền nêu trên, cần bổ sung vào Điều 18 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, cũng như bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này. “Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực... mới có thể được giải phóng tốt nhất”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

 ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm, theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực để các chủ thể được phân cấp, phân quyền, ủy quyền thực hiện được, khả thi trong thực tế. “Cần chú ý đến vấn đề năng lực thực hiện của các chủ thể này để phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho hợp lý và bảo đảm hiệu quả”.

Quy định rõ trường hợp được ủy quyền, tránh lợi dụng để né trách nhiệm

Dự thảo Luật đã làm rõ chủ thể, cách thức, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và các điều kiện mang tính nguyên tắc trong việc thực hiện ủy quyền. Theo Tờ trình của Chính phủ, đây là điểm mới nổi bật, mang tính nguyên tắc căn bản, cốt lõi để các Luật khác trong hệ thống pháp luật, làm căn cứ quy định về phân cấp và lần đầu tiên được quy định tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.

Tại khoản 3, Điều 9 đã quy định “người có thẩm quyền ủy quyền có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc ủy quyền và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền”. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân lưu ý, nếu quy định người ủy quyền phải chịu trách nhiệm hoàn toàn mà người được ủy quyền lại không chịu trách nhiệm cũng có “nguy hiểm”. Do đó, cần phân định rõ việc người ủy quyền chịu trách nhiệm và người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm tới đâu, qua đó giúp nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng mới được rõ ràng, cụ thể hơn trong luật lần này.

 ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) cũng đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ ủy quyền trong trường hợp nào để ngăn chặn tình trạng cấp trên lợi dụng, né tránh trách nhiệm, né vấn đề nhạy cảm bằng ủy quyền, cũng như giúp tránh tình trạng cấp dưới phải nhận việc ngoài chức năng, nhiệm vụ của mình quá lớn hoặc quá nhiều, quá tải.

Nhấn mạnh quan điểm “khi ủy quyền phải tính quyền ai người đó làm, việc ai người đó thực hiện sẽ tốt hơn”, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đề nghị, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng cần tiếp tục được rà soát. Phải suy nghĩ rõ hơn về vấn đề quyết định và những ủy quyền của Thủ tướng trong những vấn đề cụ thể, không nên để Thủ tướng quyết định nhưng giao cho Bộ trưởng ký.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Giải trình về nội dung nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ và tư duy đột phá nhất trong luật lần này, đó chính là hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo hiến định nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của cả hệ thống, nhất là chính quyền địa phương. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản về phân cấp phân quyền, phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

“Nội dung của dự thảo Luật được thiết kế hiện nay đã bảo đảm tính bao trùm, khái quát được toàn bộ cơ chế pháp lý về phân quyền, phân cấp, ủy quyền trên cơ sở hiến định, các chủ trương của Đảng, cũng như là theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định chủ thể, nội dung, phạm vi, cơ sở pháp lý, trách nhiệm pháp lý của các bên”. Khẳng định quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện thêm để có quy định rạch ròi về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, tránh phát sinh một số vấn đề được đại biểu lo ngại.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phan-dinh-ro-tham-quyen-se-giup-giai-phong-cac-nguon-luc-phat-trien-post404535.html
Zalo