Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 14-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua nghị quyết này. Các đại biểu nhấn mạnh, nghị quyết này đã hoàn chỉnh, toàn diện, bao quát nhiều vấn đề trong bối cảnh chúng ta triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy rất nhanh và khẩn trương. Việc ban hành nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang sắp xếp tổ chức bộ máy. Qua đó tạo cơ sở pháp lý và đặt ra những nguyên tắc chung đối với hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền khi chúng ta triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
“Đây cũng là vấn đề khó khi thiết kế để làm sao vừa bao quát hết, toàn diện các nội dung, vừa khái quát mang tính nguyên tắc để cả hệ thống vận hành bình thường, không gián đoạn, không bỏ sót và không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết, quan điểm sửa đổi toàn diện luật hiện hành; đồng thời, đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm tạo sự chủ động, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu....
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, nghiêm túc, chất lượng. Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật hiện hành, các đại biểu cho rằng, nội dung của dự thảo luật lần này đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương; đồng thời, tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tập trung góp ý vào một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo luật liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, các đại biểu nhấn mạnh, đây là điểm mới, tiến bộ và cần thiết so với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và pháp luật hiện hành.
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.