Thủ tướng phê bình 15 bộ ngành và 30 địa phương chậm gửi báo cáo các dự án tồn đọng, kéo dài

Theo các chuyên gia, cần thanh tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng chậm chễ trong báo cáo các dự án tồn đọng kéo dài. Đồng thời cần xây dựng phương án giải quyết các dự án tồn đọng một cách triệt để.

Thủ tướng phê bình 15 bộ, ngành, 30 địa phương chưa gửi báo cáo

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các dự án có khó khăn vướng mắc, tồn đọng kéo dài, khẩn trương có giải pháp xử lý dứt điểm để triển khai ngay các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không để lãng phí tài sản, tiền của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội.

Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản 10339/BKHĐT-TTr ngày 16/12/ 2024 đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/1/2025.

Tuy nhiên tính đến ngày 7/2/2025 mới có 33 địa phương gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trước vấn đề trên, Thủ tướng phê bình và yêu cầu các bộ và 30 địa phương chưa gửi báo cáo kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm cá nhân báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/2/2025. Đồng thời báo cáo kết quả rà soát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2025.

Thanh tra, làm rõ trách nhiệm

Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên cả nước, không để phải kiểm điểm hành chính, gây lãng phí nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu, sau ngày 15/2/2025, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương chưa gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng sẽ giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra để xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương.

Ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Quang Vinh.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nói rằng, đây là trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương trong chậm triển khai các chương trình dự án, thậm chí nhiều chương trình dự án triển khai sau đó bị đình trệ kéo dài, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí thất thoát rất lớn.

Ông Lâm chỉ rõ, Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đã giám sát và có danh mục các dự án, công trình bị chậm tiến độ. Qua đó đã yêu cầu Chính phủ nhanh chóng xem xét, giải quyết dứt điểm. “Thế nhưng tình trạng này chưa chuyển biến gì nhiều, có chuyển biến nhưng chưa chuyển biến căn bản, triệt để”, ông Lâm nêu rõ và nhìn nhận, trước đây đã chậm mà sau mấy năm vẫn thế thì tính cấp bách còn cao hơn nữa. Do đó, theo ông Lâm, Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt, có hạn định thời gian cụ thể rõ ràng 3 tháng, hay 6 tháng mà không có phương án giải quyết, chuyển biến căn bản thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những dự án để quá lâu, kéo dài gây lãng phí lớn.

Ông Lâm cũng đề nghị: Phải xem xét, thanh tra và xử lý, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, đồng thời cần xây dựng phương án để giải quyết các dự án này một cách triệt để.

“Vừa qua Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình “đặc cách” đi làm tổ trưởng để xem xét một số công trình dự án bị đình trệ. Vấn đề trên rất “trúng” và đã đem lại hiệu quả, có chuyển biến rõ nét. Cho nên về tổng thể phải có cách làm tương tự, mạnh mẽ đồng bộ trong cả hệ thống chính trị cùng phải thực hiện và tham gia, không để tình trạng này kéo dài lâu hơn nữa.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rằng, cần phải làm rõ, quy rõ trách nhiệm về sự chậm trễ này. Các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh phải gấp rút có báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng. Không có lý do gì yêu cầu gửi báo cáo mà chưa báo cáo.

“Rõ ràng các Bộ, ngành và các địa phương có vấn đề “mắc mớ”, cứ chần chừ không thực hiện được”, ông Hòa nói và chỉ rõ: Thủ tướng đã phân cấp, phân quyền. Chịu trách nhiệm là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Vậy tại sao lại chậm trễ xử lý công việc như vậy?

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Phạm Văn Hòa đề nghị cần thanh tra đối với những nơi chần chừ, ì ạch, xem xét còn gì mắc mớ, nguyên nhân lý do tại sao nhiều công trình đắp chiếu, “trùm mền” không thực hiện để lãng phí tài sản công, tài sản xã hội? Sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó. Phải xử lý công tâm khách quan, vô tư, xem lỗi nào của tập thể, lỗi nào của cá nhân.

“Cấp có thẩm quyền cần cương quyết xử lý trong năm 2025 một cách rốt ráo các tồn đọng, giải quyết xong trong nhiệm kỳ này để đất nước bước vào nhiệm kỳ mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Hòa kiến nghị.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho rằng, lãng phí vừa qua cản trở và gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển bền vững của từng địa phương, đất nước, gây hao tiền tốn của và trở thành “tệ nạn” vì các công trình chậm, lãng phí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Bà An đặt vấn đề: Thủ tướng đã "tạo điều kiện", trao thời gian để rà soát và báo cáo nhưng vẫn còn chậm trễ. "Tại sao lại chậm trễ như vậy? Thời gian không chờ ai trong khi chúng ta đang phải “vừa chạy vừa xếp hàng”. Chờ đợi là tụt hậu.

Bà An cho rằng, việc “người làm cũng giống như người không làm” trong thời gian qua đang gây nhờn luật, nhờn kỷ cương. Do đó không chỉ chống lãng phí mà cần xây dựng kỷ cương phép nước, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc".

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-tuong-phe-binh-15-bo-nganh-va-30-dia-phuong-cham-gui-bao-cao-cac-du-an-ton-dong-keo-dai-10299926.html
Zalo