Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

Bộ Tài chính đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030, nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống nông dân…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được triển khai hơn 30 năm và hiện đang được miễn thuế đến hết ngày 31/122025, theo các nghị quyết của Quốc hội, bao gồm Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Ngoại trừ diện tích đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng để sản xuất mà chuyển giao cho các tổ chức hoặc cá nhân khác theo hợp đồng, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp còn lại đều thuộc diện được miễn thuế.

Qua hơn ba thập kỷ thực hiện, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

Cụ thể, phương pháp xác định thuế vẫn lạc hậu (tính bằng thóc hoặc tiền), giá trị thuế thu được thấp, và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do chính sách miễn thuế toàn diện đã được thực hiện.

Mặc dù được ban hành từ năm 1993, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2001 đến nay chủ yếu thay đổi theo hướng tăng cường ưu đãi, miễn và giảm thuế để thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, người nông dân và khu vực nông thôn. Các địa phương đều đánh giá rằng việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ Tài chính đánh giá nếu việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm nguồn thu ngân sách, vì chính sách này đã được triển khai trong thực tế. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Theo Bộ Tài chính, dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được xây dựng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự nhất quán trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới và các quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp.

Bộ Tài chính thông tin trong 20 năm thực hiện chính sách, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm giai đoạn từ 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Dự kiến, số thuế được miễn mỗi năm tới khoảng 7.500 tỷ đồng. Đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, tạo thêm nguồn lực tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đất nông nghiệp chiếm khoảng 39% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, tương đương hơn 13 triệu ha. Trong đó, đất trồng cây hàng năm (như lúa, ngô, rau màu) chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đến là đất trồng cây lâu năm (như cây ăn quả, cây công nghiệp) và đất chăn nuôi. Các khu vực có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.

Thi Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-keo-dai-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-den-het-nam-2030.htm
Zalo