Nông nghiệp lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Khép lại năm 2024, ngành Nông nghiệp đạt kết quả nổi bật với con số ấn tượng về tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đạt mức tăng 18,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới có đầy thách thức, cạnh tranh, xung đột, gia tăng giá logistics, năng lượng.

Nông nghiệp lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Nông nghiệp lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Tuy nhiên, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", kết thúc năm 2024, ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tựu và tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Theo đó, năm 2024 giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%; nổi bật là xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, tăng 1 sản phẩm so với năm 2023. Kết quả này đã giúp ngành Nông nghiệp về đích trước 6 năm so với mục tiêu đặt ra trong Đề án 174, về thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản do Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, đạt kết quả trên nhờ ngành NN&PTNT đã chủ động, linh hoạt, đồng bộ các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trước những khó khăn, thách thức. Đồng thời, cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản, nổi bật...

Ngoài ra, việc phê duyệt, triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ ấn tượng với những con số, “kỳ tích” của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm 2024. “Nhìn con số xuất siêu nông sản đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng xuất siêu cả nước, khẳng định sự phát triển của ngành Nông nghiệp và vai trò trụ đỡ đối với ngành kinh tế, vừa là nền tảng thiết yếu cho an sinh xã hội và nguồn lực mang lại ngoại tệ cho đất nước” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Kiến tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó các chính sách bảo hộ mới, rào cản thuế quan mức cao, các qui định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông, lâm, sản và thủy sản, trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, toàn ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân.

Năm 2025, ngành NN&PTNT đặt ra một số chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 64 - 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp sẽ tập trung các giải pháp chính. Trước tiên, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Góp ý thêm để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao hơn trong năm 2025, bà Nguyễn Minh Hằng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản, có kế hoạch cụ thể đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng bên cạnh các thị trường lớn như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á…

Song song đó, cần thiết lập, đẩy mạnh khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy hợp tác mở cửa thị trường, thúc đẩy nông nghiệp thông minh, xanh, tuần hoàn, với tinh thần, lợi ích hài hòa giữa các quốc gia, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau đạt được lợi ích. Ngoài ra, chỉ đạo quyết liệt, tạo ra tư duy đột phá trong xúc tiến thị trường đối với sản phẩm Halal...

Xuất khẩu các nhóm hàng nông sản sẽ tăng trưởng tốt trong quý I/2025

Theo dự báo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nong-nghiep-lap-ky-luc-moi-ve-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-167450.html
Zalo