Các sếp cũng không biết 'đi đâu về đâu' hậu sa thải
Đối mặt với làn sóng sa thải quản lý cấp trung, nhiều nhân sự giám sát tại Mỹ loay hoay tìm kiếm công việc mới, chấp nhận trở về vị trí nhân viên, nhận mức lương thấp hơn.
Các công ty tại Mỹ đang quyết liệt thực hiện kế hoạch tinh gọn bộ máy, gia tăng hiệu quả lao động. “Cuộc thanh trừng” trên diện rộng này đòi hỏi nhân sự ở mọi cấp bậc suy nghĩ lại về lộ trình phát triển sự nghiệp cá nhân.
United Parcel Service và Citigroup cho biết đã cắt giảm hàng nghìn quản lý từ năm ngoái. Andy Jassy, CEO Amazon, cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nhân viên so với quản lý. Sundar Pichai, CEO Google, lại thông báo sa thải 10% quản lý trong dịp cuối năm, theo WSJ.
Thị trường lao động ‘quá tải’ quản lý
Theo phân tích về 20 triệu nhân viên văn phòng của nhà cung cấp dữ liệu việc làm Live Data Technologies, các doanh nghiệp lớn tại Mỹ đã cắt giảm 6% quản lý cấp trung so với đợt tuyển dụng cao điểm hồi đại dịch. Số lượng các giám đốc điều hành cấp cao ở quốc gia này cũng giảm 5% từ cuối năm 2021.
Khi số lượng vị trí cấp cao ngày càng ít đi, những quản lý tham vọng bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn để thăng chức. Một số thậm chí bị chuyển về làm nhân viên. Nhiều người phải chuyển ngành nhằm giữ vị trí trên nấc thang quản lý.
Theo các quản lý đang nỗ lực tìm kiếm việc làm mới, thị trường lao động hiện tràn ngập những người đồng cấp thất nghiệp.
James Riggle (46 tuổi, Mỹ) gặp khó khăn trong công cuộc tìm việc sau khi bị sa thải vào đầu năm nay. Anh có 15 năm cống hiến cho công ty tài chính Citi, liên tục đảm nhiệm vai trò quản lý.
“Các nhà tuyển dụng thậm chí không thèm nói chuyện với tôi”, Riggle chia sẻ.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi bị sa thải, anh được mời làm việc với mức lương thấp hơn 40.000 USD so với thu nhập tại Citi. James Riggle xin rút lui vì lương quá thấp.
Tuy nhiên hiện nay, nhân sự này đã mở rộng phạm vi tìm kiếm sang các lĩnh vực, vị trí khác, sẵn sàng chấp nhận việc làm với thu nhập thấp.
Doanh nghiệp cũng lao đao
Sự phát triển nhanh chóng của AI cũng tạo ra một tương lai thiếu vắng nhiều vai trò quản lý.
Theo Colyn Montgomery (37 tuổi, Mỹ), nhà đồng sáng lập của một công ty khởi nghiệp về công nghệ tiếp thị, các công cụ trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có khả năng quản lý quy trình làm việc. Theo thời gian, AI cũng sẽ phần nào thay đổi lộ trình thăng tiến thông thường của nhân sự.
Trong khi đó, công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner dự đoán rằng trong 2 năm tới, 1/5 doanh nghiệp sẽ ứng dụng AI để tinh gọn bộ máy và loại bỏ một nửa quản lý cấp trung.
Các cấp quản lý được trả lương cao có nguy cơ bị cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Meta cắt giảm hàng nghìn nhân sự vào năm ngoái, đồng thời yêu cầu quản lý chuyển về làm nhân viên.
Sau khi công bố tái cấu trúc vào tháng 9/2023, Citi cũng cắp giảm các lớp quản lý từ 13 xuống 8. “Quy trình ra quyết định sẽ nhanh hơn nhiều”, Mark Mason, Giám đốc tài chính của Citi, cho biết.
Tuy nhiên, “cuộc thanh trừng” trên diện rộng này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner, các nhà quản lý hiện giám sát nhiều nhân viên gấp gần 3 lần so với năm 2017. Khảo sát mới nhất của LinkedIn về Niềm tin của lực lượng lao động lại chỉ ra rằng khoảng 30% nhân sự khẳng định cấp trên quá căng thẳng, không thể hỗ trợ họ trong công việc.
Cung cấp sự chỉ dẫn tận tình, chia sẻ khó khăn trong công việc với nhân viên là điều “quản lý” AI không thể đảm nhiệm.