Hoàng Anh Gia Lai nợ hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Tại thời điểm ngày 30/9, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai có tổng tiền lãi và gốc chậm thanh toán cho lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Đến ngày 26/12, Hoàng Anh Gia Lai chỉ trả thêm được 200 tỷ đồng gốc trái phiếu.
Tuần này có 13 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 12 công ty trả cổ tức bằng tiền, 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Chỉ trả thêm được 200 tỷ đồng
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa báo cáo về việc trả bớt nợ trái phiếu phát hành năm 2016. Theo đó, vào ngày 26/12, Hoàng Anh Gia Lai đã trả thêm 200 tỷ đồng gốc trái phiếu mã HAGLBOND16.26.
Trái phiếu HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/6/2016, kỳ hạn 10 năm với tổng giá trị 6.596 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản. Lãi suất phát hành là 9,7%/năm, kỳ hạn trả lãi 3 tháng, sau đó áp dụng lãi thả nổi và trái chủ duy nhất là BIDV.
Tại thời điểm ngày 30/9, Hoàng Anh Gia Lai phải thanh toán tiền lãi trái phiếu mã HAGLBOND16.26 là 136,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền lãi chậm thanh toán lũy kế đến ngày 30/9/2024 là hơn 3.486 tỷ đồng. Số tiền gốc chậm thanh toán lũy kế tính đến ngày 30/9/2024 là 1.015 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lãi và gốc chậm thanh toán lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 lên tới hơn 4.501 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9. Theo HAG, việc chậm thanh toán là do chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG), hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.
HAG cho biết, dự kiến sẽ thanh toán phần còn lại trong quý IV năm nay.
Ngoài việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu mã HAGLBOND16.26, HAG còn bị Cục Thuế tỉnh Gia Lai ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do khai sai dẫn đến thiếu thuế giá trị gia tăng năm 2023, thiếu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 và năm 2023, thiếu tiền thuê đất năm 2022 và năm 2023 phải nộp, khai sai dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và năm 2023 phải nộp, không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để tặng.
Các hành vi vi phạm hành chính này diễn ra trong niên độ kế toán năm 2022 và 2023. Theo Cục Thuế tỉnh Gia Lai, HAG có tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần và không có tình tiết giảm nhẹ nào.
Với các vi phạm trên, Hoàng Anh Gia Lai bị phạt tiền 159 triệu đồng, truy thu thuế 722 triệu đồng và phạt chậm nộp tiền thuế gần 93 triệu đồng. Tổng cộng số tiền là 974 triệu đồng.
Quý III năm nay, doanh thu thuần của HAG đạt gần 1.432 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm lớn nhất ở doanh thu bán heo (lợn), khi chỉ đạt 234 tỷ đồng (giảm 52%), doanh thu bán trái cây đạt 912 tỷ đồng (giảm 11%).
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận hơn 50 tỷ đồng, tăng 43%. Công ty ghi lỗ khác hơn 39 tỷ đồng nhưng không thuyết minh cụ thể, trong khi cùng kỳ khoản này lãi 119 tỷ đồng, chủ yếu do thanh lý tài sản cố định.
Kết quả, HAG lãi ròng gần 332 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày, công ty lãi 3,6 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, lãi ròng của HAG ở mức 809 tỷ đồng, tăng 15% và đã thực hiện được 64% kế hoạch năm.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của HAG đạt gần 22.500 tỷ đồng, tăng thêm 1.600 tỷ đồng. Công ty có khoản phải thu về cho vay hơn 3.600 tỷ đồng và gần 4.900 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu chi phí phát triển vườn cây ăn quả và một phần ở dự án chăn nuôi, nhà xưởng...
10 lần khất nợ cổ tức
Công ty CP Xây dựng Số 5 (mã chứng khoán: VC5) lùi ngày thanh toán cổ tức năm 2013 từ 30/12/2024 sang 30/12/2027. Nguyên nhân theo VC5 là có một số vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Các nguồn thu không đạt như dự kiến dẫn đến nguồn thanh toán cổ tức cho các cổ đông năm 2013 không thực hiện được đúng kế hoạch.
Đến nay, VC5 đã có 10 lần xin khất nợ cổ tức năm 2013 so với ngày thanh toán ban đầu là 30/10/2014. Trước đó, cổ tức 2013 của VC5 chốt trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% theo danh sách chốt ngày 25/9/2014.
Từ sau quyết định chia cổ tức, hoạt động kinh doanh của VC5 chưa năm nào có lãi. Công ty liên tục thua lỗ suốt 7 năm liên tiếp, từ 2014 - 2021, nâng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2021 lên hơn 382 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng bắt đầu âm 62 tỷ đồng vào năm 2016 và đến cuối 2021 đã âm hơn 318 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa - thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC) - vừa bán hơn 3,5 triệu cổ phiếu DHC trong thời gian từ 18 - 25/12 như đăng ký. Như vậy, ông Nghĩa không còn là cổ đông lớn của DHC, do tỷ lệ sở hữu giảm từ 6,59% xuống còn 2,19%, tương đương gần 1,8 triệu cổ phần. Ước tính ông Nghĩa thu về gần 131 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Trước đó, từ ngày 27/9 - 22/10, ông Nghĩa đã bán 1 triệu cổ phiếu DHC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 6,59% vốn. Thành viên HĐQT thoái bớt vốn trong bối cảnh giá cổ phiếu DHC trên đà lao dốc kể từ khi lập đỉnh vào đầu tháng 6/2024 và đã giảm hơn 19% tính đến cuối phiên ngày 17/12.
Công ty CP Traphaco (mã chứng khoán: TRA) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 6/1/2025 để thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 20%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận 2.000 đồng.
Với hơn 41,45 triệu cổ phiếu lưu hành, Traphaco sẽ chi gần 83 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 35,67% vốn và sẽ thu về gần 30 tỷ đồng.