Ngành khoa học và công nghệ cần khẩn trương đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2024, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.

Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đáng chú ý, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh... Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, có nhiều chuyển biến trong công tác xã hội hóa đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư.

Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông để cùng nhau đạt được những mục tiêu đề ra trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2024, Bộ đã đẩy nhanh tiến độ triển khai 23 Chương trình Khoa học và công nghệ quốc gia; phê duyệt và tổ chức triển khai mới 2 Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ, khoa học xã hội nhân văn đã góp phần giải quyết một số vấn đề về vật liệu, công nghệ trong xây dựng, bảo trì đường bộ như: Nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông, xây dựng; các tiêu chuẩn mới về thiết kế kết cấu mặt đường mềm, thiết kế xử lý nền đất yếu...

Trong khoa học y-dược, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới như kỹ thuật ghép tạng; kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn; làm chủ công nghệ và sản xuất đáp ứng 11/12 vaccine phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, nước ta đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều dự án hợp tác từ các tập đoàn lớn như: Samsung, Intel và NVIDIA, trong đó Việt Nam và NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam...

Đánh giá nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn biểu dương và ghi nhận những thành quả đạt được của Bộ. Về nhiệm vụ ngành khoa học và công nghệ năm 2025, Phó Thủ tướng đề nghị ngành khoa học và công nghệ cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, chủ động, khẩn trương, quyết liệt thực hiện việc đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống. Hiện, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, vì vậy, Bộ cần lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để hoàn thành đúng thời hạn, trình Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ, cần ban hành ngay để tổ chức thực hiện, với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản cản trở sự phát triển của đất nước; đồng thời, cần tập trung cao độ để hoàn thiện các luật chuyên ngành.

Thứ ba, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với những chương trình, kế hoạch dự án ưu tiên rõ ràng, thiết thực mang tính khả thi cao; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, kết hợp nội lực với hợp tác quốc tế, nhất là trong bối cảnh các phát minh, sáng chế, các trao đổi khoa học, công nghệ rất thuận lợi để hợp tác như hiện nay.

Thứ tư, coi trọng và ưu tiên cao phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; tạo môi trường cho nhà khoa học, các trí thức tiếp tục cống hiến, phát triển, các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế về khoa học, công nghệ. Với vị trí chiến lược địa chính trị, tiềm lực quốc gia, vị thế và uy tín của chúng ta hiện nay trên trường quốc tế là điều kiện rất thuận lợi để tranh thủ sự hợp tác quốc tế, huy động được nguồn lực bên ngoài cho việc tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của Việt Nam.

Thứ sáu, cần kiện toàn, sắp xếp cơ cấu, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 để Bộ hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, ổn định tâm lý cho người lao động, lưu ý một số trọng tâm, đó là: Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương chủ động trong việc thực hiện đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị vào cuộc sống; tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho thể chế để thúc đẩy khoa học và công nghệ thực hiện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong năm 2025, cần thông qua các luật chuyên ngành phục vụ ngành phát triển; chú trọng tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học và chuyển đổi số với những chương trình, dự án ưu tiên rõ ràng mang tính khả thi cao; coi trọng và ưu tiên cao phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu tốt nhất nhiệm vụ đặt ra.

Minh Tuấn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nganh-khoa-hoc-va-cong-nghe-can-khan-truong-dua-nghi-quyet-57-vao-cuoc-song-post853390.html
Zalo