Đề nghị nâng lương tối thiểu lên gấp đôi để người lao động có thể sinh thêm con
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) đề nghị từ nay đến năm 2030 cần nâng lương tối thiểu lên gấp đôi để người lao động đảm bảo mức sống, có thể sinh thêm con.
Chiều 14-2, Quốc hội thảo luận tại tổ đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo cần xem xét tăng lương tối thiểu cho người lao động.
"Chúng ta cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề dân số", đại biểu Nhân nói và dẫn chứng bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy sau thời kỳ tăng trưởng cao, nếu không duy trì mức sinh thay thế, nền kinh tế sẽ trì trệ.
Nhật Bản đã tăng trưởng hai con số trong 33 năm, nhưng 29 năm sau trì trệ, nằm ngang. Do vậy, theo ông Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.
![Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51479103/d6332a5b1815f14ba804.jpg)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM).
Theo ông Nhân, hiện nay lương tối thiểu chỉ gần 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 20-21 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa là lương đủ sống phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.
"Lương phải tăng gấp đôi để đạt mức lương đủ sống tối thiểu. Nếu không đủ lương để sống thì người ta sẽ không đẻ vì đẻ ra không nuôi được. Chúng ta cần có lộ trình tăng dần lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030, chậm nhất trong vòng 10 năm phải chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu", ông Nhân nói.
Đại biểu cũng cho hay, có ý kiến lo ngại việc tăng lương sẽ làm giảm sức hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác, ngay cả khi tăng lương gấp đôi, mức lương của Việt Nam vẫn chỉ bằng 26% mức lương tối thiểu của Nhật Bản và 27% của Hàn Quốc.
Do đó, việc tăng lương vẫn đảm bảo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, theo ông Nhân. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng ngoài tiền lương, cần quan tâm đến các vấn đề khác như nhà ở, giáo dục và y tế. Nếu người lao động không đủ thu nhập để nuôi con, chính sách dân số sẽ khó đạt hiệu quả.
"Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, sau 25 năm duy trì mức sinh thấp, rất khó để đảo ngược tình trạng này. Nếu không có chính sách hợp lý, đến năm 2040 Việt Nam có thể đối mặt với khủng hoảng dân số nghiêm trọng", ông Nhân nhận định.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo mức sống và khuyến khích sinh con. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là chiến lược phát triển bền vững của đất nước.