Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
Sáng 6-5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Phó Thủ tướng cho hay hiện nay, sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.
Theo định nghĩa tại dự thảo luật, đây là loại “sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện sản xuất, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, an ninh, trật tự, an toàn, bảo mật thông tin”.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
Phó Thủ tướng thông tin hiện cách hiểu và việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn chưa được quy định cụ thể trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dẫn đến tình trạng chưa thống nhất.
Điều này dẫn tới nhiều vấn đề như không rõ cơ sở khoa học về khả năng mất an toàn của sản phẩm, chưa có đầy đủ chi tiết mặt hàng, mã hồ sơ...
Công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành.
Việc triển khai thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường còn có những khó khăn, như chưa xây dựng được đội ngũ kiểm soát viên chất lượng độc lập; các cơ quan chuyên môn ở địa phương rất ít cơ quan có đơn vị, phòng hoặc có công chức phụ trách lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa; năng lực của các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm sản phẩm trong nước phục vụ quản lý nhà nước còn hạn chế...
Ứng dụng công nghệ là một trong những biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số, mã vạch, ghi nhãn điện tử. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan,...) cũng đã ứng dụng công nghệ, sử dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn điện tử, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm...
Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ghi nhãn điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định việc xem xét, bổ sung vào trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết.
Trước thực tế này, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nhóm sản phẩm này căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị....
Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm).
Căn cứ các yếu tố này, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao (ví dụ như vật liệu nổ, thuốc thú y, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...), sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp (ví dụ như mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử gia dụng, vật liệu xây dựng...), phù hợp với đặc tính của từng sản phẩm, hàng hóa, yêu cầu, khả năng quản lý nhà nước trong từng thời kỳ của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Dự thảo luật cũng bổ sung khái niệm về “mã số, mã vạch”; “truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, “mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, “mã truy vết sản phẩm”, “mã truy vết địa điểm”; “nhãn hàng hóa”, “nhãn điện tử” và “hộ chiếu số của sản phẩm”.
“Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Tờ trình của Chính phủ cũng chỉ rõ hiện nay việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỉ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung.
Việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.
Hiện nay, việc quản lý hoạt động thương mại điện tử được thực hiện theo quy định tại pháp luật về thương mại điện tử (Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn). Tuy nhiên, tại Luật và các văn bản hướng dẫn Luật này chưa quy định về nội dung quản lý chất lượng hàng hóa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung quy định này trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều này giúp thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường,