Nhiều công ty con của Novaland 'dính' nợ xấu ngàn tỷ tại SMC
Từ dự án Thành phố Aqua đến The Forest City và nhiều công ty con khác của Novaland đang bị 'đóng dấu' nợ xấu trong báo cáo tài chính của SMC…

Quý 1/2025 NVL lỗ sau thuế hơn 476 tỷ đồng
Báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC mới đây đã hé lộ một bức tranh tài chính u ám khi hàng loạt công ty thuộc hệ sinh thái Novaland đang nợ quá hạn hàng nghìn tỷ đồng.
Điều đáng nói, những khoản nợ này đã nằm trong diện khó thu hồi, kéo dài từ 1 đến dưới 3 năm, khiến thị trường không khỏi đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch và năng lực trả nợ thực sự của tập đoàn địa ốc từng đình đám một thời này.
LOẠT CÔNG TY CON CỦA NVL DÍNH NỢ XẤU
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán mới công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: SMC) loạt công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, mã chứng khoán NVL) đang nằm trong danh sách nợ xấu SMC.
Trong mục nợ xấu là tổng giá trị các khoản phải thu, trả trước người bán quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi của SMC có đến hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Novaland.
Cụ thể, Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận nợ 440,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley 169,2 tỷ đồng; Công ty TNHH The Forest City 131,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Thành phố AQUA 113,6 tỷ đồng;
Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp 43 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Tường Minh 41,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Thái Bình 40,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Du lịch Bình An 36,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Long Hưng Phát 29,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Hoàn Vũ 25,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần phát triển Đất Việt 20,3 tỷ đồng.

Nhiều công ty con của Novaland nợ xấu tại SMC. Nguồn: Báo cáo tài chính của SMC
Như vậy, các công ty con của Novaland đang nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Tất cả các khoản trên đều là khoản phải thu khó đòi quá hạn từ 1 năm – dưới 3 năm của SMC.
Liên quan đến các công ty con của Novaland, theo báo cáo tài chính quý 1/2025 của NVL, trong kỳ công ty đã chuyển nhượng cổ phần tại 2 công ty gồm Công ty TNHH Thành phố Aqua; Công ty TNHH Địa ốc No Va Mỹ Đình.
Cụ thể, tháng 3/2025, Novaland đã hoàn tất bán 19% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thành phố Aqua là chủ đầu tư dự án Aqua City có quy mô 1.000ha tại Đồng Nai. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Novaland giảm từ gần 70% xuống còn 51%.
Giá trị chuyển nhượng là 973 tỷ đồng. Khoản chênh lệch giữa tổng giá trị chuyển nhượng và giá trị ghi sổ đã được Novaland ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất. Về phía nhận chuyển nhượng, theo hồ sơ đăng ký kinh doanh của Thành phố Aqua hồi tháng 4, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Đầu tư Thiên Hà là cổ đông mới, nắm 19% vốn.
Cùng với dự án trên, vào tháng 3/2025, Novaland đã hoàn tất chuyển nhượng hơn 7,635% vốn tại Công ty TNHH Địa ốc No Va Mỹ Đình. Tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 1.641 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, 7,6% vốn tại Công ty TNHH Địa ốc No Va Mỹ Đình được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Dalat Lan Anh.
LỖ ĐẬM QUÝ ĐẦU NĂM
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland, mã chứng khoán NVL) lỗ đậm trong quý 1/2025 dù doanh thu tăng vọt. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, quý đầu năm NVL lỗ sau thuế hơn 476 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước doanh nghiệp này cũng lỗ gần 600 tỷ đồng (giảm 124 tỷ đồng).
Theo giải trình của Novaland, lỗ sau thuế hợp nhất của công ty giảm so với quý 1/2024 chủ yếu do lợi nhuận từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 456 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính và hoạt động khác giảm 379 tỷ đồng.
Về doanh thu quý này của Novaland đạt 1.778 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 1.634 tỷ đồng tăng gấp 3,3 lần nhờ bàn giao tại các dự án như: NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Sunrise Riverside, Palm City....; doanh thu tư vấn dự án, bán hàng và dịch vụ khác là 119 tỷ đồng và doanh thu cho thuê tài sản là 25 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính ngốn của Novaland 633 tỷ đồng, chi phí bán hàng 91 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 303 tỷ đồng, dù vậy, các con số này đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Phối cảnh dự án Aqua City
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của NVL ở mức 203.124 tỷ đồng, giảm 4.707 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2024. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 32% so với đầu kỳ, đạt 6.084 tỷ đồng; các khoản phải thu khoảng 63.052 tỷ đồng…
Đáng chú ý, doanh nghiệp này đang ôm 148.638 tỷ đồng hàng tồn kho. Cụ thể, bất động sản để bán đang xây dựng chiếm 95%, tương ứng 140.967 tỷ đồng, bao gồm các khoản cho phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án.
Bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành là 8.012 tỷ đồng; hàng hóa bất động sản 74 tỷ đồng; hàng hóa khác 5,4 tỷ đồng; còn dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 420 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của NVL cho biết, tại ngày 31/3/2025 giá trị hàng tồn kho của Novaland được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là 60.224 tỷ đồng, trong khi đó, khoản này tại ngày 31/12/2024 là 59.086 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Novaland ghi nhận 185.951 tỷ đồng, giảm 4.535 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Trong đó, nợ vay chiếm 32% nợ phải trả, tương ứng 59.256 tỷ đồng; khoản phải trả người bán ngắn hạn hơn 8.428 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn ở mức 18.273 tỷ đồng… Còn vốn chủ sở hữu của tập đoàn tăng nhẹ lên mức 48.855 tỷ đồng.
Được biết, năm 2025, Novaland đưa ra 2 phương án kinh doanh. Một là, doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ, trong khi phương án 2 thận trọng hơn với doanh thu 10.453 tỷ đồng và lỗ 688 tỷ đồng.