Kiến nghị hoàn thiện chính sách đổi mới sáng tạo, quản lý năng lượng nguyên tử

HNN.VN - Tại buổi thảo luận tại tổ liên quan đến các Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Huế đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.

Tổ 7 gồm các Đoàn ĐBQH đến từ Lạng Sơn, Kiên Giang, Huế và Thái Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam tham gia thảo luận Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Hải Nam tham gia thảo luận Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Cần giải pháp đột phá thực chất

Về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH thành phố Huế) cho rằng, đây là lĩnh vực then chốt giúp Việt Nam phát triển bền vững.

Dẫn chứng bài học thành công của Hàn Quốc, ông khẳng định Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp nền tảng và đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam đánh giá cao nhiều điểm mới tích cực của dự thảo như, tăng quyền tự chủ nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, ông Nam đề nghị làm rõ thêm một số nội dung về ưu đãi thuế, khái niệm “khoa học mở”, chính sách đặc thù cho các cơ sở nghiên cứu lớn.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đề cập yêu cầu đồng bộ hóa Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với các luật khác đang được sửa đổi như, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… nhằm tránh chồng chéo, tăng tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đại biểu nhấn mạnh cần rà soát kỹ lưỡng Điều 58, 59 vì có dấu hiệu trùng lặp với Luật Sở hữu trí tuệ, nhất là các quy định liên quan đến bản quyền, quyền tác giả.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nêu nhiều ý kiến từ góc độ thực tiễn nghiên cứu trong lĩnh vực y tế. Theo đó, về thời gian thực hiện các nghiên cứu về y tế, ông Hiệp cho rằng, cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt theo đặc thù ngành.

Liên quan đến cơ chế đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Như Hiệp nhận định còn nặng về hình thức, dễ dẫn đến việc chọn đơn vị đấu giá rẻ nhưng thiếu năng lực. Đại biểu đề xuất cần cơ chế “khoán” phù hợp, rõ ràng về khối lượng và kết quả.

Ông Phạm Như Hiệp cũng đề nghị xác lập cơ chế xử lý rủi ro trong nghiên cứu. Bởi trong thực tế, không phải mọi đề tài đều thành công, cần có khung đánh giá minh bạch đâu là rủi ro khách quan, đâu là lỗi chủ quan. Đồng thời, kiến nghị nên gộp khái niệm “liêm chính khoa học” và “đạo đức nghề nghiệp” để tránh rườm rà, bởi thực chất đây là những giá trị đồng nhất về chuẩn mực khoa học tại Điều 3.

Liên quan đến nghiên cứu kỹ thuật y học mới, đại biểu đề nghị cần xác định điều kiện đủ để triển khai thực nghiệm mà không gây ra trì trệ hoặc kìm hãm sáng tạo.

Làm rõ giới hạn thẩm quyền

Liên quan đến Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Hải Nam nêu rõ, vấn đề vũ khí hạt nhân và một khái niệm xuất hiện trong dự thảo cần được đặc biệt cân nhắc và xác định ranh giới rõ ràng khi đưa vào hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo đại biểu, trong dự thảo luật này có hai nội dung lớn cần tiếp tục làm rõ.

Thứ nhất, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện hạt nhân, hiện luật phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù liên quan sâu rộng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, đại biểu đề xuất cần bổ sung các nguyên tắc, tiêu chí để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, đồng thời quy định rõ các trường hợp dự án quy mô lớn phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thứ hai, về vấn đề chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ – những nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe cộng đồng – hiện còn thiếu quy định cụ thể về cơ quan đầu mối quản lý, cơ chế giám sát và xử lý. Đại biểu kiến nghị cần hoàn thiện rõ ràng hơn trong dự luật nhằm bảo đảm hiệu quả kiểm soát.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/kien-nghi-hoan-thien-chinh-sach-doi-moi-sang-tao-quan-ly-nang-luong-nguyen-tu-153331.html
Zalo