Đầu năm nói chuyện trồng rừng

Bắc Kạn là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Việc phát triển kinh tế rừng là một định hướng quan trọng cho nền nông nghiệp của tỉnh.

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi có dịp gặp ông Trương Văn Thủy trú tại thôn Tân Hoan, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông- tác giả đạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ X (2023 - 2024).

 Hiệu quả kinh tế từ cây dó bầu

Hiệu quả kinh tế từ cây dó bầu

Ông Thủy được biết đến là người nông dân cần cù, sáng tạo, luôn tận tụy, nghiên cứu, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, vừa chung tay bảo vệ, phát triển và khai thác rừng hiệu quả bền vững.

Năm 2020 tình cờ ông Thủy gặp ông Triệu Ứng Lai tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Đều là những người nông dân yêu rừng, mong muốn phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng, hai người đã cùng nhau nghiên cứu ra thuốc tạo trầm trên cây dó bầu. Chỉ hơn 1 năm từ 2021 - 8/2022 đồng tác giả đã nghiên cứu thành công thuốc tạo trầm trên cây dó bầu. Qua thử nghiệm cho thấy chất lượng trầm tại tỉnh Bắc Kạn không khác so với các sản phẩm có mặt trên thị trường.

Ngoài việc sản xuất trầm miếng, ông Thủy còn nghiên cứu nâng cấp các sản phẩm từ trầm hương như rượu trầm hương, tinh dầu trầm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa cây dó bầu. Không dừng lại ở đó, hiện nay ông cũng đang tích cực nghiên cứu thêm một số sản phẩm từ vỏ, lá cây dó bầu và một số cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao thay thế những cây trồng như keo, mỡ giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bên cạnh những người như ông Trương Văn Thủy, còn rất nhiều người dân vẫn đang ngày đêm tâm huyết với kinh tế rừng. Cần mẫn và sáng tạo để rừng ngày càng đem lại ích lợi nhiều hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế nông thôn, miền núi.

Năm 2024 là một năm khá thành công với nền nông lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Theo đánh giá của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, lĩnh vực lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp được chỉ đạo quyết liệt và sự tham gia tích cực của người dân, công tác trồng rừng đã đạt được kết quả tích cực, chất lượng rừng trồng các năm đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 73%. Sản lượng khai thác gỗ bình quân khoảng 300.000m3/năm, qua đó vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng vừa góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho ngành chế biến lâm sản tại địa phương.

Toàn tỉnh dự kiến trồng mới đạt bình quân trên 4.775ha rừng/năm với diện tích rừng trồng lớn, khả năng khai thác cao, các cơ sở chế biến lâm sản ngày càng được mở rộng. Cả tỉnh có hơn 222 cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động với 08 cơ sở có quy mô lớn. Tết trồng cây dịp đầu năm chính là dịp để khích lệ phong trào trồng rừng trên cả tỉnh, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, bảo vệ môi trường.

 Mở mới các tuyến đường lâm nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế rừng.

Mở mới các tuyến đường lâm nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế rừng.

Trong những năm vừa qua tỉnh Bắc Kạn cũng đã có những chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp có hiệu quả như: Rừng trồng cây đa mục đích như quế, hồi; các loài cây được liệu có giá trị kinh tế như chè hoa vàng, thảo quả, cát sâm, lá khôi… Thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Điều tra trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon rừng trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế khi Chính phủ ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp hiện vẫn còn có nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả kinh tế và thu nhập từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy trái phép vẫn còn xảy ra, dẫn đến giảm diện tích cũng như chất lượng rừng. Nguyên nhân chính là do hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển sinh kế từ rừng vẫn còn thiếu, trình độ, nhận thức của cán bộ và người dân còn hạn chế. Tỉnh Bắc Kạn cần xây dựng và cải thiện các nền tảng về hạ tầng cũng như năng lực để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển kinh kế rừng.

Hy vọng trong những năm tiếp theo Bắc Kạn tiếp tục làm tốt công tác phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học./.

Triệu Hiển

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dau-nam-noi-chuyen-trong-rung-post69193.html
Zalo