Quốc hội thảo luận tại Tổ về các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước

Chiều 14/2, theo Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ.

Tổ đại biểu số 12 (gồm đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình) do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì điều hành thảo luận.

Dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trong phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về 4 nội dung quan trọng, gồm: (1) Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; (2) Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; (3) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; (4) Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

 Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận

Các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết và cơ bản tán thành với các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù trong các dự thảo Nghị quyết, Đề án do Chính phủ trình, đồng thời có một số ý kiến góp ý đối với từng dự thảo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên được bổ sung phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đã đánh giá kỹ lưỡng tình hình tăng trưởng KT-XH của cả nước trong năm 2024; những tiềm năng, cơ hội và thách thức trong và ngoài nước tác động đến tình hình tăng trưởng KT-XH năm 2025 và khẳng định việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là có cơ sở.

Các ý kiến cơ bản đồng tình với 6 nhóm giải pháp trong dự thảo Nghị quyết. Để đạt được mục tiêu đề ra, các đại biểu cho rằng các giải pháp ngắn hạn cần được triển khai khẩn trương với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị; các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, đổi mới sáng tạo, đột phá và quyết tâm cao để triển khai kịp thời, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển KT-XH đặc thù cho từng lĩnh vực, địa phương mà Quốc hội đang xem xét tại Kỳ họp này, trong đó cần hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung cắt giảm thực chất thủ tục đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chính sách của các nước, tìm kiếm, chủ động kiến tạo và khai thác hiệu quả các cơ hội cho tăng trưởng, phát triển, tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng tính bền vững của các nguồn thu NSNN như nguồn thu từ đất, thị trường chứng khoán...; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khi tình hình an ninh, chính trị ở các nước trong khu vực và trên thế giới còn có dấu hiệu bất ổn.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và nêu rõ, hiện nay Quốc hội đang thực hiện tư duy đổi mới trong công tác lập pháp, tháo gỡ thể chế rất triệt để theo chủ trương của Bộ Chính trị và những đề xuất của Chính phủ nhằm hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần lưu ý chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tính pháp chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Với việc tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền rất mạnh mẽ, nếu không tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương thì việc thực thi các cơ chế rất dễ xảy ra vi phạm và có thể gây ra hậu quả, để lại hệ lụy sau này. Do đó, thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để không vấp phải các bài học từ những đại án gây thất thoát lượng lớn ngân sách nhà nước cũng như liên quan đến cán bộ như thời gian qua./.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-cac-chu-truong-co-che-chinh-sach-dac-thu-de-thuc-day-tang-truong-kinh-te-xa-hoi-cua-dat-nuoc-post69228.html
Zalo