Đau đầu, mệt mỏi kéo dài khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Thời tiết thay đổi thất thường có thể kéo theo các cơn đau đầu, mệt mỏi khó chịu. Tuy nhiên nếu thường xuyên bị đau đầu, mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiêu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_338_51508246/7c2d6842460caf52f61d.jpg)
Nhiều người có thể bị đau đầu, mệt mỏi do thức khuya hoặc căng thẳng hay do thời tiết nhưng đau đầu và mệt mỏi có thể có nhiều mối liên quan tới sức khỏe hơn bạn nghĩ, đặc biệt là nếu bạn bị đau đầu, mệt mỏi mỗi ngày.
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu, mệt mỏi
Trước tiên, cần hiểu rằng, đau đầu và mệt mỏi là hai triệu chứng khác nhau. Khi hai triệu chứng này xảy ra đồng thời hãy nghĩ tới một hoặc vài bộ phận/cơ quan trong cơ thể đang có vấn đề. Theo Healthline, nếu bị đau đầu, mệt mỏi thì những tình trạng sức khỏe dưới đây có thể là nguyên nhân gây ra:
- Đau nửa đầu:Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra các cơn đau đầu dữ dội và liên tục. Triệu chứng đau nửa đầu có thể bắt đầu từ 1 - 2 ngày trước khi cơn đau đầu xảy ra và ở trong giai đoạn này nhiều người cho biết họ cảm thấy mệt mỏi và kém năng động hơn bình thường. Khi vào giai đoạn "tấn công", người bị đau nửa đầu có thể gặp thêm các triệu chứng bổ sung khác bao gồm: Buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh thậm chí là ảo giác thị lực hoặc ảo thanh.
![Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra các cơn đau đầu dữ dội và liên tục (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_338_51508246/a61bb3749d3a74642d2b.jpg)
Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra các cơn đau đầu dữ dội và liên tục (Ảnh: ST)
Sau khi cơn đau nửa đầu thuyên giảm, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức giống như cảm giác khi say rượu. Nếu kéo dài mà không được kiểm soát, đau nửa đầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sinh hoạt của bạn.
- Mất nước:Nhiều người bị đau đầu do mất nước cùng mệt mỏi và buồn ngủ. Tình trạng đau đầu do mất nước thường biến mất trong vòng vài giờ sau khi uống đủ nước. Do vậy, nếu vừa mới cảm thấy đau đầu và hơi mệt, hãy thử uống một cốc nước và quan sát phản ứng của cơ thể sau đó.
- Tác dụng phụ của thuốc: Đau đầu, mệt mỏi có thể là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị huyết áp do chúng khiến cơ thể mất nước. Ngoài ra, một vài loại thuốc có thể gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ đã được chứng minh là tình trạng gây ra đau đầu, mệt mỏi cũng như giảm khả năng tập trung nếu không được điều trị.
Do đó, nếu sử dụng thuốc theo đơn, hãy nói chuyện với bác sĩ về tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải cũng như cách đối phó với các tác dụng phụ này. Nếu tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng tới sinh hoạt, bạn cần báo ngay lập tức với bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc thay thế thuốc nếu cần, tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc mà không có chỉ định, ảnh hưởng tới triệu chứng và tốc độ phục hồi bệnh.
- Caffeine: Caffeine là một chất có thể kích thích hệ thần kinh trung ương. Mặc dù một tác dụng của caffeine là tăng cường khả năng tập trung, giúp người uống cảm thấy tỉnh táo và giảm mệt mỏi ngay sau khi uống nhưng tiêu thụ quá mức caffeine có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ, gây mất ngủ, khó ngủ - từ đó dẫn tới đau đầu, mệt mỏi và thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.
Người nghiện caffeine cũng có thể gặp phải các triệu chứng cai nghiện caffeine nếu không uống đủ, bao gồm đau đầu, mệt mỏi và bồn chồn, cáu kỉnh.
![Caffeine là một chất có thể kích thích hệ thần kinh trung ương (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_338_51508246/b973ab1c85526c0c3543.jpg)
Caffeine là một chất có thể kích thích hệ thần kinh trung ương (Ảnh: ST)
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính: Triệu chứng chính của hội chứng mệt mỏi mãn tính chính là mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài ít nhất 4 tháng và tình trạng mệt mỏi không cải thiện ngay cả khi đã ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ. Người bị mệt mỏi mãn tính có thể gặp thêm các triệu chứng như: Đau đầu thường xuyên, đau cơ, đau khớp, các vấn đề về giấc ngủ, khó khăn trong tập trung,...
- Đau cơ xơ hóa:Hội chứng đau cơ xơ hóa (fibromyalgia syndrome – FMS), thường được gọi là đau cơ xơ hóa, là một rối loạn gây ra bởi sự tác động từ não tới việc xử lý tín hiệu đau. Đau cơ xơ hóa được đặc trưng bởi đau cơ xương lan tỏa và mệt mỏi nói chung. Bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa cũng có thể bị đau đầu thường xuyên. Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng đau cơ xơ hóa vẫn chưa được xác định.
- Rối loạn giấc ngủ: Bất kỳ một yếu tố nào ảnh hưởng tới giấc ngủ đều có thể gây đau đầu, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng nói chung bao gồm: Mất ngủ, hội chứng chân không yên, nghiến răng, ngưng thở khi ngủ, đau nửa đầu, căng thẳng mãn tính,... Việc giải quyết triệt để các yếu tố này sẽ giúp tình trạng đau đầu, mệt mỏi được loại bỏ.
-Chấn thương vùng đầu:Chấn thương ở não hoặc vùng đầu cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu kéo dài. Đối với chấn thương sọ não nhẹ có thể dẫn tới hội chứng sau sang chấn kéo dài trong nhiều tháng thậm chí lên tới một năm với các triệu chứng như đau đầu tái phát hoặc đau đầu kéo dài, mệt mỏi, chóng mặt, cáu kỉnh, khó tập trung, trí nhớ ngắn hạn kém, tâm trạng lo lắng, ù tai, khó ngủ, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, suy giảm thị lực, rối loạn khứu giác và vị giác.
![Chấn thương ở não hoặc vùng đầu cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu kéo dài (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_338_51508246/3b65280a0644ef1ab655.jpg)
Chấn thương ở não hoặc vùng đầu cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu kéo dài (Ảnh: ST)
Nếu bị chấn thương vùng đầu gây chấn động não kèm theo bất tỉnh, các vấn đề trí nhớ, nôn mửa, rối loạn hành vi, lú lẫn, thay đổi tầm nhìn thì cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ.
- Say rượu: Cảm giác nôn nao, đau đầu, mệt mỏi, khô miệng, đau bụng, trí nhớ mù mịt sau mỗi lần uống rượu, đặc biệt là khi "say xỉn" khiến nhiều người gặp khó khăn để bắt đầu ngày hôm sau. Hơn nữa uống rượu cũng gây mất nước, thúc đẩy tình trạng đau đầu.
- Cảm lạnh, cảm cúm do virus: Đau đầu, mệt mỏi là những triệu chứng phổ biến của bệnh cúm và cảm lạnh thông thường. Ngoài đau đầu, mệt mỏi thì người bị cúm hay cảm lạnh có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho khan hoặc ho có đờm.
- Thiếu máu: Thiếu máu xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể xuống ngưỡng quá thấp. Thiếu máu khiến các mô của cơ thể không nhận đủ oxy cần thiết. Điều này khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, yếu ớt hơn và có thể kèm theo chóng mặt, khó thở, da nhợt nhạt và móng tay giòn, dễ gãy hơn. Đau đầu cũng là một triệu chứng thiếu máu khác, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt.
- Kinh nguyệt: Sự thay đổi hormone trước và trong thời kỳ kinh nguyệt có thể dẫn tới đau đầu và mệt mỏi. Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm: Thay đổi tâm trạng, đau ngực, mệt mỏi, đau đầu, thèm ăn, thay đổi trong thói quen ngủ,...
![Sự thay đổi hormone trước và trong thời kỳ kinh nguyệt có thể dẫn tới đau đầu và mệt mỏi (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_338_51508246/8c739c1cb2525b0c0243.jpg)
Sự thay đổi hormone trước và trong thời kỳ kinh nguyệt có thể dẫn tới đau đầu và mệt mỏi (Ảnh: ST)
- Sử dụng mắt quá mức: Việc nhìn chằm chằm vào các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, điện thoại di động trong thời gian dài có thể khiến mắt bị căng thẳng, giảm điều tiết mắt và gây đau đầu, mệt mỏi hoặc kiệt sức nói chung. Để kiểm soát tình trạng này, hãy rời mắt khỏi màn hình sau mỗi 20 phút và nhìn vào vật cách xa ít nhất 6 mét trong ít nhất 20 giây.
- Mang thai:Đau đầu, mệt mỏi chỉ là hai trong số nhiều triệu chứng mà phụ nữ mang thai gặp phải trong suốt thai kỳ. Mệt mỏi và đau đầu xảy ra có liên quan tới sự thay đổi nồng độ hormone progesterone cao, thay đổi thể tích máu của thai phụ.
- Trầm cảm:Trầm cảm có thể ảnh hưởng tới bạn cả về thể chất và tinh thần dẫn tới đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tâm trạng, rối loạn giấc ngủ, chán ăn/thèm ăn bất thường, đau nhức cơ thể,...
- Bệnh lupus ban đỏ:Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mãn tính khiến hệ miễn dịch tự tấn công ngược lại cơ thể dẫn tới các triệu chứng như: Mệt mỏi nghiêm trọng, đau đầu, phát ban hình con bướm trên má và mũi, đau và sưng khớp, rụng tóc, ngón tay chuyển màu đỏ trắng hoặc xanh kèm ngứa ran khi lạnh (chứng Raynaud).
2. Khi nào đau đầu, mệt mỏi cần thăm khám bác sĩ?
Hầu hết các cơn đau đầu, mệt mỏi không phải là vấn đề nghiêm trọng nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Tuy nhiên nếu cơn đau đầu thường xuyên tái phát và khiến bạn gặp khó khăn để ngủ lại vào ban đêm, cơn đau đầu dai dẳng nghiêm trọng và kéo dài trên 24 giờ thì cần thăm khám bác sĩ để được thăm khám.
Đặc biệt, sự chăm sóc y tế khẩn cấp là cần thiết nếu bị: Lần đầu tiên bị đau đầu dữ dội và đột ngột; sốt và cứng cổ; liệt hoặc chảy xệ một bên mặt; rối loạn ngôn ngữ như ngọng, nói lắp; buồn nôn và nôn mửa; ngất xỉu hoặc co giật; rối loạn hành vi; thay đổi thị lực,...
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và kiểm tra đánh giá tình trạng đau đầu, mệt mỏi là do đâu. Bạn cần cho bác sĩ biết về cảm giác đau đầu, mệt mỏi của mình xảy ra khi nào; điều gì khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc được giảm nhẹ, cải thiện; mỗi đợt thường kéo dài bao lâu; điều này ảnh hưởng tới sinh hoạt, cuộc sống của bạn như thế nào;... cũng như tiền sử bệnh lý mà bạn có là gì.
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định các kiểm tra sức khỏe khác nhau như xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nước tiểu, test trầm cảm,... để xác định nguyên nhân gây đau đầu, mệt mỏi do đâu. Điều quan trọng là chú ý tới các triệu chứng bất thường của cơ thể kèm theo hai tình trạng này là gì để nhanh chóng thăm khám khi cần thiết, tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe do không được điều trị kịp thời, chẳng hạn như đột quỵ.
Nguồn: Healthline, Medical News Today