Cách giảm đau đầu do viêm xoang nhanh tại nhà khi thời tiết thay đổi thất thường

Thời tiết giao mùa, người bị viêm xoang dễ bùng phát các triệu chứng xoang khó chịu như đau nhức tai, chảy nước mũi sau, mệt mỏi, sốt và đau đầu do viêm xoang. Trong đó, đau đầu do viêm xoang nghiêm trọng khiến người bệnh như bị 'tra tấn' ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày.

Khi các xoang bị viêm do dị ứng, nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm) hay do dị tật cấu trúc mũi họng khiến các xoang này sưng lên, tiết nhiều chất nhầy hơn dẫn tới bít tắc, đau nhức. Theo đó, các áp lực tích tụ trong xoang ở vùng xoang mắt - gò má, xoang mũi, xoang trán lan tới đầu gây ra cơn đau đầu do viêm xoang.

1. Đau đầu do viêm xoang là đau ở đâu?

Cơn đau đầu do viêm xoang được mô tả là đau sâu, đau dồn dập ở vùng xương quanh mắt - gò má, trán hoặc sống mũi. Cơn đau thường trở nên dữ dội hơn khi đột ngột di chuyển đầu (như cúi xuống) hoặc khi bị căng thẳng.

Cùng với đau đầu do viêm xoang, người bệnh cũng có thể gặp thêm các triệu chứng xoang khác như sổ mũi, nghẹt mũi; cảm giác đầy ở tai; nước mũi màu xanh lá cây hoặc màu vàng; khứu giác giảm; áp lực khó chịu phía sau trán và sốt. Đôi khi cơn đau đầu do viêm xoang cũng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hoặc đau nhức ở hàm trên hoặc sưng đỏ ở má, mũi hay trán.

Các áp lực tích tụ trong xoang ở vùng xoang mắt - gò má, xoang mũi, xoang trán lan tới đầu gây ra cơn đau đầu do viêm xoang (Ảnh: ST)

Các áp lực tích tụ trong xoang ở vùng xoang mắt - gò má, xoang mũi, xoang trán lan tới đầu gây ra cơn đau đầu do viêm xoang (Ảnh: ST)

Phân biệt đau đầu do viêm xoang và đau nửa đầu

Cơn đau đầu do viêm xoang và đau nửa đầu thường dễ bị nhầm lẫn, phân biệt không chính xác khiến hiệu quả điều trị kém. Theo Medical News Today, đau nửa đầu được hiểu là tình trạng đột ngột đau dữ dội một bên đầu với cường độ đau từ trung bình tới nặng.

Đau nửa đầu và đau đầu do viêm xoang có thể có các triệu chứng tương tự nhau bao gồm: Đau ở một vùng trên mặt hoặc trán và thường ở một bên đầu; cơn đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn khi hoạt động thể chất và nghẹt mũi, chảy nước mắt.

Tuy nhiên, nếu bị đau nửa đầu, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng đau nửa đầu đặc trưng khác như nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, buồn nôn và nôn mửa, thay đổi thị lực, rối loạn cảm giác da tạm thời, ảo giác thính giác. Còn đau đầu do viêm xoang không gây ra tình trạng ảo giác thị lực.

2. Cách giảm đau đầu do viêm xoang nhanh tại nhà

Theo Healthline, hầu hết các triệu chứng viêm xoang do virus, dị ứng sẽ tự khỏi, tuy nhiên, nếu bị sốt trên 3 ngày, đau nhức dữ dội, thay đổi tầm nhìn, thở hụt hơi, lú lẫn khó tập trung, cứng cổ, sưng viêm quanh mắt hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng kéo dài trên 7 ngày thì bạn cần thăm khám bác sĩ để được can thiệp đúng tình trạng.

Để giảm đau đầu do viêm xoang nhanh tại nhà, bạn có thể tham khảo các biện pháp như:

- Sử dụng máy tạo độ ẩm làm loãng chất nhầy trong xoang

Khi các triệu chứng viêm xoang bùng phát, chất nhầy tích tụ nhiều hơn, đặc hơn chặn đường dẫn lưu khiến áp lực xoang tăng lên và gây đau đầu. Do vậy, việc bổ sung độ ẩm vào không khí bằng máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong các xoang, từ đó giúp xoang thông thoáng hơn và giảm đau nhức cũng như viêm nhiễm.

Theo một nghiên cứu năm 2021 trên Cochrane Library, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các xoang tự làm sạch hiệu quả hơn khi độ ẩm ít nhất trên 30% và tốt hơn là 45%. Ngoài máy tạo độ ẩm, các thức uống nóng như trà (trà gừng, trà quế, trà bạc hà, chanh mật ong, trà hoa cúc), súp nóng cũng giúp cung cấp nước cho cơ thể, cũng có lợi trong việc làm loãng chất nhầy, giảm khó chịu ở xoang mũi và hỗ trợ chống viêm.

Hít hơi nước ấm bằng cách xông nước, tắm nước ấm cũng đem lại hiệu quả tương tự.

- Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý cấp ẩm và rửa sạch xoang

Nước muối sinh lý giúp cấp ẩm và làm sạch đường mũi đang bị viêm tắc, tống thải các chất gây dị ứng, bụi và chất nhầy từ đó giảm khó chịu các triệu chứng đau nhức xoang do bít tắc gây ra. Nếu tự pha nước muối tại nhà, tuyệt đối không sử dụng nước máy kém vệ sinh mà chỉ sử dụng nước đun sôi để ấm để pha.

Với người đang bùng phát đau đầu do viêm xoang cũng như các triệu chứng khác thì nên sử dụng bình xịt rửa mũi mỗi ngày tới khi các triệu chứng giảm dần.

Hầu hết các triệu chứng viêm xoang do virus, dị ứng sẽ tự khỏi (Ảnh: ST)

Hầu hết các triệu chứng viêm xoang do virus, dị ứng sẽ tự khỏi (Ảnh: ST)

- Tinh dầu khuynh diệp

Dầu khuynh diệp được làm từ hơn 100 thành phần khác nhau, các thành phần hóa học chính yếu của dầu khuynh diệp chủ yếu bao gồm: A-pinene, b-pinene, a-phellandrene, 1,8-cineole, limonene, terpinen-4-ol, aromadendrene, epiglobulol, piperitone và globulol. Trong đó hợp chất thực vật 1,8-cineole (eucalyptol) trong tinh dầu khuynh diệp được cho là có các đặc tính chống viêm và giảm đau.

Hít hơi hoặc xông hơi có chứa tinh dầu khuynh diệp có thể giúp làm loãng chất nhầy và tống thải chúng ra ngoài khi bị viêm xoang hay ho bằng cách tác động tới màng nhầy giúp giảm tiết chất nhầy. Theo WebMD, dầu khuynh diệp có thể chống lại các nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, virus và nấm. Chính vì thế mà bạn có thể tìm thấy thành phần dầu khuynh diệp trong nhiều loại nước muối rửa mũi.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu sử dụng tinh dầu khuynh diệp tại chỗ, cần pha loãng với dầu nền trước khi thoa lên thái dương hay vùng mặt đầu bị đau nhức.

- Chườm nóng và chườm lạnh để giảm đau đầu do viêm xoang

Chườm ấm các vùng mặt bị đau nhức do viêm xoang có tác dụng giảm đau nhờ thúc đẩy lưu lượng máu và giảm tình trạng xoang bị tắc nghẽn cũng như làm loãng chất nhầy. Chườm lạnh có hiệu quả gây tê tạm thời, giảm đau và viêm nhanh.

Bạn có thể thực hiện cách giảm đau đầu do viêm xoang bằng chườm nóng và chườm lạnh xen kẽ nhau. Cụ thể, hãy bắt đầu bằng việc đắp một chiếc khăn ấm lên vùng xoang đau nhức khoảng 3 phút rồi tiếp tục chườm lạnh trong 30 giây. Lặp lại 2-3 lần, khoảng 4 lần một ngày để đạt hiệu quả.

- Thực phẩm có tính cay nóng

Thông thường, nghẹt mũi và cơn đau đầu do viêm xoang sẽ khiến vị giác rơi vào trạng thái không hoạt động. Bằng cách thêm một chút vị cay vào bữa ăn hoặc đồ uống, nó có thể giúp đánh thức vị giác giảm bớt những khó chịu mà nhiễm trùng xoang gây ra. Điều này là nhờ thực phẩm có tính cay chứa một hợp chất hóa học gọi là capsaicin, chất này hoạt động như một chất giúp thông mũi tự nhiên bằng cách thúc đẩy sản xuất và dẫn lưu chất nhầy bị tắc nghẽn trong xoang.

Theo Everyday Health, với người bị đau đầu do viêm xoang, ăn thực phẩm cay còn giúp tình trạng chảy nước mũi và chảy nước mắt tăng lên trong một thời gian ngắn - điều này được đánh giá là có lợi trong việc "khơi thông" xoang đang tắc nghẽn và giảm áp lực xoang cũng như cơn đau khó chịu.

Các thực phẩm có thể thêm vào chế độ ăn khi bị đau đầu do viêm xoang như: Gừng giảm tắc nghẽn, sưng tấy, đau do viêm xoang; củ cải giúp đẩy lùi những cơn đau họng, nghẹt mũi; tỏi có đặc tính chống virus, chống nấm và kháng khuẩn; hành tây hoạt động như một chất kháng histamine tự nhiên để chống lại phản ứng dị ứng; mù tạt và ớt cay kích thích dây thần kinh số 5, kích thích hệ giao cảm, co niêm mạc mũi, co bóp túi lệ giải phóng chất nhầy bị "kẹt" và thông xoang bị tắc nghẽn do chất nhầy tích tụ.

Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen và acetaminophen có thể hỗ trợ giúp giảm cơn đau đầu do viêm xoang (Ảnh: ST)

Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen và acetaminophen có thể hỗ trợ giúp giảm cơn đau đầu do viêm xoang (Ảnh: ST)

- Thuốc không kê đơn (thuốc OTC)

Theo Healthline, thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen và acetaminophen có thể hỗ trợ giúp giảm cơn đau đầu do viêm xoang cũng như giảm sốt, giảm đau hàm có liên quan. Nhưng nếu cơn đau đầu do viêm xoang trở nên tệ hơn và kéo dài trong nhiều ngày thì bạn cần ngừng dùng thuốc giảm đau và thăm khám bác sĩ để loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng xoang do vi khuẩn. Nhiễm trùng xoang do vi khuẩn sẽ cần sử dụng kháng sinh để loại bỏ.

Thuốc thông mũi như pseudoephedrine mặc dù không giúp thông xoang nhưng có thể giúp giảm nghẹt mũi trong một thời gian ngắn. Thuốc thông mũi tại chỗ như oxymetazoline có thể gây nghẹt mũi trở lại sau 3 ngày. Do vậy không nên tự ý sử dụng thuốc thông mũi dù là loại nào mà chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh khiến tình trạng nghẹt mũi nghiêm trọng hơn, khiến cơn đau đầu do viêm xoang trở nên tệ hơn.

Nếu nguyên nhân gây đau đầu xoang là do dị ứng, thuốc kháng histamine hoặc tiêm corticosteroid có thể sẽ được bác sĩ chỉ định.

Cuối cùng, để đảm bảo tình trạng đau đầu do xoang không nặng hơn, cần chú ý tới việc bảo vệ đường hô hấp khi đi ngoài đường; giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng ngực và họng, tránh để nhiễm lạnh và đảm bảo dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, tăng cường lưu thông gió. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc chữa xoang mà không có chỉ định của bác sĩ khiến bệnh nghiêm trọng hơn, đáp ứng điều trị kém.

Nhìn chung, đau đầu do viêm xoang có thể ngăn ngừa được bằng cách kiểm soát các dị nguyên có thể kích hoạt viêm xoang nếu nguyên nhân do dị ứng mùa; thay đổi lối sống lành mạnh hơn chẳng hạn như ngủ đủ giấc kết hợp với các bài tập aerobic vào thói quen hàng ngày để giảm tần suất bị đau đầu. Trong một số trường hợp hiếm hoi thì đau đầu do viêm xoang có thể gây ra biến chứng quanh vùng mắt, dẫn tới sưng viêm - nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thị lực.

Nguồn: Healthline, Medical News Today, Everyday Health

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cach-giam-dau-dau-do-viem-xoang-nhanh-tai-nha-khi-thoi-tiet-thay-doi-that-thuong-20250218143303262.htm
Zalo