Đại biểu Quốc hội: Giảm quá tải hạ tầng nhờ hệ thống vận tải công cộng hiện đại

Với địa hình đặc biệt như Việt Nam, việc phát triển hệ thống đường sắt sẽ góp phần giảm chi phí vận tải, nhất là các chi phí logistics hiện chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản phẩm.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu thảo luận tại tổ chiều 14/2 về Nghị quyết “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ.

Tuyến metro số 1 nhanh chóng phát huy hiệu quả

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với dân số hơn 10 triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu không có hệ thống vận tải công cộng hiện đại, sức chở lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, Thành phố sẽ khó giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và quá tải hạ tầng.

Dẫn chứng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), nữ đại biểu cho hay sau khi đưa vào vận hành từ ngày 22/12/2024, tuyến này đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, được đón nhận rất tích cực, thể hiện ở số lượng hành khách sử dụng cao hơn dự kiến, góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông khu vực phía Đông thành phố.

“Điều này cho thấy, người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ,” bà Lệ cho hay.

Cùng ý kiến này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay việc đưa tuyến Metro của Thành phố Hồ Chí Minh đi vào vận hành sau nhiều năm triển khai đã phát huy hiệu quả.

“Không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn giảm thiểu tình trạng "xếp hàng" đối với các xe hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh hoặc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương khác,” đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.

 Đại biểu Tạ ĐÌnh Thi (đoàn Hà Nội) làm rõ một số nội dung về phát triển đường sắt đô thị. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đại biểu Tạ ĐÌnh Thi (đoàn Hà Nội) làm rõ một số nội dung về phát triển đường sắt đô thị. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Liên quan tới Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, theo đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) việc ban hành nghị quyết là rất cần thiết và cấp bách để nhanh chóng đưa các dự án này triển khai xây dựng, đi vào vận hành, từ đó tạo lập cơ sở hạ tầng đồng bộ.

“Đặc biệt đối với địa hình rất đặc biệt như Việt Nam, việc phát triển hệ thống đường sắt rất quan trọng, sẽ góp phần giảm chi phí vận tải, nhất là các chi phí logistics hiện nay chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ,” đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Đảm bảo sự gắn kết và chỉnh trang đô thị

Theo báo cáo của Chính phủ, đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng đô thị, đầu tư phát triển đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, giải pháp quan trọng, căn cơ để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết và trình Quốc hội theo trình tự thủ tục rút gọn để thông qua tại 01 kỳ họp (tháng 2/2025).

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) thống nhất với sự cần thiết phải khẩn trương ban hành Nghị Quyết của Quốc hội về vấn đề này, nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc về thể chế đã được nhận diện trong thực tiễn tại Thành phố Hà Nội và Thành phố khi Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đánh giá cao nội dung Tờ trình của Chính phủ và cơ bản nhất trí với 06 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt thí điểm trong dự thảo Nghị Quyết được đệ trình Quốc Hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này.

Ông Thường cho hay các cơ chế chính sách đã được nghiên cứu thận trọng trên cơ sở kế thừa các cơ chế chính sách đã, đang được triển khai thực hiện có hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua, kết hợp tham khảo kinh nghiệm thực tiễn trong, ngoài nước cũng như dự báo đánh giá các tác động ảnh hưởng trong quá trình thực hiện áp dụng.

“Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được xem xét thông qua lần này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần của Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng,” ông Thường nhấn mạnh.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Quốc hội Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Quốc hội Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đóng góp cho việc xây dựng dự án này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) rất cần thiết phải có cơ chế đặc thù, đặc biệt, bởi các hệ thống đường sắt đô thị muốn phát huy hiệu quả được phải hình thành mạng lưới, còn nếu chỉ 1 hay 2 tuyến rời rạc sẽ không phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị cần gắn liền với việc chỉnh trang đô thị, đồng thời gắn với công nghệ trong nước của các tuyến đường sắt đã đầu tư trước đây, như tuyến Lạng Sơn-Hà Nội.

“Việc đầu tư đường sắt đô thị phải tận dụng các sản phẩm đó, còn nếu mỗi một tuyến lại sử dụng sản phẩm khác nhau, cuối cùng sẽ xé nát thị phần và sẽ không có nhà đầu tư,” đại biểu Hoàng Văn Cường nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-giam-qua-tai-ha-tang-nho-he-thong-van-tai-cong-cong-hien-dai-post1012402.vnp
Zalo