Singapore: Trả lương hậu hĩnh vẫn khó tuyển tài xế vận tải
Trước tình trạng thiếu tài xế, nhiều công ty vận tải Nhà nước và tư nhân của Singapore đưa ra ưu đãi lương bổng hậu hĩnh lên tới 5.000 đô la Singapore (gần 100 triệu đồng/tháng), hỗ trợ chi phí đào tạo, giảm giờ làm, tăng cơ hội thăng tiến.
Vì sao thiếu tài xế?
"Dân số già hóa. Trong đội ngũ lái xe buýt người Singapore của công ty chúng tôi, người trẻ nhất là 55 tuổi. Hầu hết đều khoảng 70 tuổi. Tôi thực sự không thể nhìn thấy tương lai của ngành vận tải". Đây là chia sẻ của ông Leo Baiming, Giám đốc điều hành công ty vận tải DKJ Transport Service Singapore.

Nhiều người lao động không hứng thú với công việc lái xe. Ảnh: CNA/Nuria Ling.
Lời phàn nàn của ông Leo đã phản ánh thực tế Singapore đang đối mặt thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động làm nghề lái xe buýt. Trong khi nhiều tài xế đang gần hoặc đã đến tuổi nghỉ hưu, lại có rất ít người Singapore trẻ tuổi muốn tham gia ngành này.
Nhiều người lao động cảm thấy chán nản vì cho rằng công việc này mệt mỏi và buồn tẻ, thời gian làm việc dài, mức lương không cao. Không ít lao động trẻ có suy nghĩ nghề lái xe là công việc lao động chân tay và không có nhiều triển vọng để thăng tiến.
Một nguyên nhân khác là do số lượng tuyến xe buýt ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đòi hỏi tài xế cũng phải nâng cao năng lực. Đồng nghĩa, lực lượng lao động phải được củng cố để phục vụ các tuyến đường mới và theo kịp mục tiêu giảm thời gian chờ xe buýt.
Tuy nhiên, nhu cầu này không thể đáp ứng chỉ bằng cách thuê thêm tài xế nước ngoài. Hạn ngạch tuyển dụng tối đa cho người nước ngoài của các nhà điều hành phương tiện vận tải công cộng là 35% trong tổng số lực lượng lao động. Bộ Giao thông cho biết con số này cũng tương tự đối với các đơn vị vận tải tư nhân.
Hệ lụy từ việc thiếu tài xế
Tình trạng thiếu tài xế kéo theo nhiều hệ lụy với những người đi làm, đi học sử dụng giao thông công cộng. Năm ngoái, mức giá trần của phí xe buýt trường học đã tăng 7% do chi phí nhiên liệu và chi phí nhân công tăng.
Cùng năm, tình trạng thiếu tài xế đã đẩy ComfortDelGro, một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ vận tải tư nhân, phải chấm dứt hợp đồng xe đưa đón học sinh với bốn trường tiểu học.
Đến tháng 1 năm nay, phí xe buýt trường học lại tăng 13% do áp lực chi phí liên tục tăng. Nhiều đơn vị vận tải buộc phải gộp các tuyến đường, dẫn đến thời gian di chuyển dài hơn.
Tiến sĩ Raymond Ong từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động là mối quan tâm thường trực của cả khu vực tư nhân và công cộng.
"Hiện tại, tình hình nhân sự rất căng thẳng. Nhìn chung, luôn xảy ra thiếu hụt vì Singapore đang đối mặt với dân số già hóa và không nhiều người trẻ muốn làm nghề tài xế", vị giảng viên ngành quy hoạch giao thông nói.
Tại SBS Transit, đơn vị điều hành xe buýt công cộng lớn nhất Singapore, chỉ có khoảng 6,5% tài xế dưới 30 tuổi.
Còn tại công ty Tower Transit Singapore, số tài xế trẻ tuổi chỉ chiếm 3% trong đội ngũ hiện tại. Đại diện công ty này thông tin: "Chúng tôi đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong suốt năm 2024 và chỉ có thể đáp ứng nhu cầu hoạt động vào tháng 11/2025".
Tăng lương, thưởng để thu hút lái xe
Để thu hút nhiều người trẻ Singapore vào lực lượng lao động, các công ty xe buýt công cộng đã dần cải thiện chương trình nghề nghiệp cho tài xế, bao gồm tăng lương, phúc lợi và khuyến khích hiệu suất.

Các đơn vị vận tải ở Singapore đưa ra nhiều phúc lợi để thu hút lao động trẻ tuổi. Ảnh: CNA.
Đơn cử, theo bà Grace Wu, đại diện công ty SBS Transit, mức lương cơ bản cho tài xế xe buýt người Singapore và thường trú nhân đã tăng khoảng 23% so với 8 năm trước.
Từ tháng 10/2024, công ty bắt đầu chính sách thưởng tiền khi ký hợp đồng là 20.000 đô la Singapore (tăng từ 10.000 đô la) và 5.000 đô la tiền khuyến khích đào tạo. Ngoài ra còn thưởng 1.000 đô la cho nhân viên giới thiệu thành công.
"Đối với những bà mẹ có con dưới 13 tuổi, chúng tôi có thêm phúc lợi bổ sung để giúp trang trải chi phí chăm sóc trẻ em", bà Wu nói.
"Tại Tower Transit, mức lương khởi điểm hàng tháng là 2.224 đô la Singapore cho tài xế xe buýt mới vào nghề, tăng 15% so với năm 2016", Giám đốc điều hành công ty, ông Winston Toh cho biết.
Họ cũng được chọn đăng ký làm việc 5 ngày/tuần - không phải 6 ngày như thường lệ và được chọn ca làm việc ưa thích. Không chỉ vậy, công ty còn sắp xếp giường tầng, có máy lạnh tại kho để tài xế ngủ trưa, có phòng tập thể dục, cắt tóc miễn phí hằng tháng.
Theo Tower Transit, những chương trình như vậy nhằm mục đích cải thiện phúc lợi cho toàn bộ lực lượng lao động chứ không chỉ thu hút nhân viên trẻ tuổi. Hơn nữa, công ty cũng tạo điều kiện thăng tiến để hấp dẫn nhân sự, cho phép tài xế có cơ hội chuyển sang vai trò giám sát và quản lý.
Về dài hạn, tiến sĩ Raymond Ong đề xuất cần tăng cường phát triển xe buýt tự hành đối phó tới tình hình thiếu nhân lực ngành lái xe tải. "Nếu chúng ta không làm ngay bây giờ thì khi sự cố xảy ra, sẽ quá muộn", ông nói.
Tại Westpoint Transit - một công ty vận tải tư nhân tại Singapore, để thu hút lao động trẻ hơn lái xe buýt 45 chỗ, đơn vị này đã sớm đưa ra những ưu đãi lương bổng tốt.
Cụ thể, công ty đã sửa đổi cơ cấu lương, tăng mức lương khởi điểm tối đa cho những tài xế từ khoảng 3.500 đô la Singapore lên 5.000 đô la Singapore (gần 100 triệu đồng)/tháng.
Chia sẻ với CNA Today, Giám đốc phát triển kinh doanh của Westpoint Transit Lionel Lee cho biết, động thái này đã cho thấy hiệu quả. Đến thời điểm này, độ tuổi trung bình của tài xế xe tải đã giảm xuống còn 45 và hiện tại khoảng 30% trong đội ngũ tài xế dưới 30 tuổi.