Đà Nẵng với chính sách chạm đến người dân - Bài cuối: Dân hiến đất mở đường, phố xá thênh thang
Hơn 20 năm qua, chủ trương Nhà nước - nhân dân cùng làm trong công cuộc mở đường đã giúp nhiều con phố tại Đà Nẵng khang trang, hiện đại hơn.
Đến bây giờ, nhiều người dân sống dọc tuyến đường sắt chạy song song với đường Trường Chinh (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn chưa hết ngỡ ngàng về con đường phía trước nhà mình.
Từ tuyến đường bê tông rộng chưa đầy 2 m chi chít ổ voi, ổ gà đến con đường nhựa rộng 5,5 m kèm vỉa hè lát gạch khang trang như hôm nay là cả hành trình dài kiên trì thực hiện chủ trương Nhà nước - nhân dân cùng làm.

Tuyến đường gom dọc đường sắt chạy song song với đường Trường Chinh được mở rộng nhờ người dân hiến đất. Ảnh: TẤN VIỆT
Chính quyền quyết, dân đồng thuận
Cuối năm 2014, chính quyền quận Cẩm Lệ chủ trương mở rộng tuyến đường gom dọc đường sắt nói trên với phương châm Nhà nước - Nhân dân cùng làm.
Ngay khi có chủ trương, nhiều cấp, hội đoàn thể đi từng nhà vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc mở rộng đường giao thông và nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân.
Ông Lê Văn Công (75 tuổi, phường Hòa An) có nhà tại đây nhớ lại, tuyến đường gom này thời điểm đó xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bong tróc, lởm chởm đá rất nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ khi lưu thông.
Thấy địa phương xuống tuyên truyền, không những đồng tình ngay, ông Công còn tham gia cùng tổ vận động đi các nhà trong xóm để cùng thống nhất hiến đất mở đường.
“Khi nghe về việc tuyến đường trước nhà có thể mở rộng gần gấp ba lần, gia đình tôi liền tự nguyện hiến hơn 31m2 đất để làm đường. Tấc đất tấc vàng đấy nhưng vì cái chung nên tôi không đắn đo. Giờ ngồi trong nhà nhìn ra đường phố thênh thang mới thấy quyết định của tôi và bà con là không sai, giúp làm lợi cho con cháu sau này”, ông Công cho hay.

Người dân hiến đất mở đường nhựa rộng 5,5 m. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo ông Phan Thanh Phong (70 tuổi, phường Hòa An), từ khi nghe chính quyền vận động mở đường, người dân nơi đây ai cũng vui mừng, đồng ý hiến đất ngay. Riêng nhà ông Phong đã hiến 30m2 đất.
“Hiến đất mở đường thì người dân được rất nhiều lợi ích, nhất là phát triển kinh tế. Đường rộng mở thì xe cộ lưu thông dễ hơn. Xe cứu thương, xe chữa cháy, khi nhà có đại sự việc di chuyển cũng kịp thời. Nhận thức việc đường được mở mang, đi lại dễ dàng, đời sống người dân sẽ đổi thay, chúng tôi ai nấy đều ủng hộ”, ông Phong chia sẻ.
Lãnh đạo UBND quận Cẩm Lệ cho hay, dự án đường gom dọc đường sắt chạy song song với đường Trường Chinh có chiều dài hơn 5,5 km, tổng mức đầu tư 144,7 tỉ đồng. Với sự đồng lòng, chung tay của người dân cùng nỗ lực vận động của chính quyền địa phương, hàng ngàn m2 đất đã được hiến tặng. Tuyến đường nay đã được trải nhựa phẳng phiu, kết nối giao thông thuận lợi với các khu vực xung quanh.
Chung tay mở đường tiến lên đô thị
Hơn 20 năm qua, chủ trương Nhà nước – Nhân dân cùng làm trong công cuộc mở đường đã giúp nhiều con phố tại Đà Nẵng khang trang, hiện đại hơn.

Đường Phan Thanh (bên phải) và đường Trần Cao Vân sau khi mở rộng. Ảnh: TẤN VIỆT
Tìm hiểu của PV, thành công từ con đường đầu tiên mang tên Phan Thanh, nhiều tuyến phố khác như: Trần Cao Vân, Đống Đa, Nguyễn Tri Phương, Phạm Như Xương… ở khắp các quận nội thị Đà Nẵng được mở mang, đem lại phố mới, cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho người dân.

Tuyến đường nối Gò Quảng với đường Hòa Phước – Hòa Khương (bên trái) cùng nhiều con đường nông thôn tại huyện Hòa Vang được mở rộng. Ảnh: TẤN VIỆT
Trung tâm TP làm trước, vùng nông thôn cũng không chịu kém cạnh. Những năm qua, khắp các xã thuộc huyện Hòa Vang sôi động công trường mở rộng đường, chung tay đưa huyện nhà tiến lên đô thị loại IV.
Thay "áo mới” cho kiệt hẻm
Không những mở rộng đường sá, nhiều kiệt hẻm trung tâm TP Đà Nẵng cũng được mở rộng trong sự vui mừng của người dân.
Những con hẻm mang “bộ mặt” mới như hẻm 38 Nguyễn Thị Minh Khai, 09 Yên Bái; các hẻm 22, 62, 74, 86 đường Thi Sách; nối thông hẻm 211 và 225 Đống Đa, hẻm 78 Hoàng Diệu…
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho hay, kết quả của chủ trương mở rộng kiệt hẻm là giúp mạng lưới giao thông và chất lượng đường sá được cải tạo, nâng cấp, người dân đi lại thuận tiện hơn. Góp phần đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tiếp nối thành công bước đầu của việc mở rộng kiệt hẻm, quận Hải Châu "trái tim" của Đà Nẵng được đầu tư thêm gần 50 tỉ đồng để mở rộng 18 tuyến đường có mặt cắt lòng đường dưới 4m thành 5,5m.
Các dự án này đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông, phục vụ dân sinh. Đồng thời đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ khi có các sự cố xảy ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.
Tại xã Hòa Khương, ông Nguyễn Văn Hai (thôn Gò Hà) cho hay, cách đây 12 năm, ông cùng hàng chục hộ dân hai bên tuyến đường nối Gò Quảng với đường Hòa Phước – Hòa Khương tự nguyện hiến đất mở rộng mặt đường vốn nhỏ hẹp lên 5,5m. Công trình này góp phần giúp xã Hòa Khương được công nhận là xã nông thôn mới năm 2014.
“Từ khi đường sá mở rộng, người dân đi lại thuận tiện hơn, nhất là ô tô. Các học sinh đến trường cũng an toàn hơn. Nay xã chủ trương tiếp tục mở rộng đường để đạt tiêu chí nâng cấp xã lên phường, tất cả người dân chúng tôi đều ủng hộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hiến đất”, ông Hai nói và cho hay gia đình ông đã đồng ý hiến tiếp 41m2 đất để mở đường.
Gần đó, hộ ông Ngô Văn Chu cũng sẵn sàng hiến 31m2 đất ở. Ông Chu chia sẻ: “Nhà tôi đất rộng người thưa, không có nhu cầu xây dựng gì thêm nên khi xã vận động thì mình hiến tặng để làm đường cho bà con cùng thụ hưởng”.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở đường được thực hiện sâu rộng. Người dân ý thức rõ lợi ích của việc mở rộng đường sá nói riêng cũng như việc đưa Hòa Vang lên đô thị loại IV nói chung.
UBND huyện Hòa Vang đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn bổ sung nhằm đầu tư 10 tuyến đường chuẩn đô thị trên địa bàn huyện, gồm: Ngã tư trục chính Bồ Bản - Cồn Mùn (xã Hòa Phong), đường ĐH10 (xã Hòa Phú), đường liên thôn từ ĐH409 đi thôn La Bông (xã Hòa Tiến)… Tất cả đều có bề rộng mặt đường tối thiểu 7,5m, vỉa hè mỗi bên 2-3m.
Tổng kết 10 năm qua, người dân huyện Hòa Vang đã đóng góp tiền của, vật chất, hiến đất, phá dỡ tường rào cổng ngõ, vật kiến trúc để mở rộng hơn 478km đường giao thông. Đồng thời hiến 178.000m2 đất với hơn 21.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Chính sách chạm đến người dân: Sức bật cho phát triển bền vững
Trong hành trình kiến tạo một TP hiện đại, nhân văn và bền vững, Đà Nẵng hướng đến những chính sách thực chất, có chiều sâu, xuất phát từ nhu cầu thật của người dân và doanh nghiệp (DN).
Đó là lý do vì sao các chính sách như “4 an”, nhà ở xã hội, tín dụng cho hộ nghèo cùng hàng loạt nỗ lực gỡ vướng cho DN và thu hút đầu tư đã trở thành những điểm sáng trong hoạch định chính sách và chạm đến người dân.
Điều này là minh chứng sinh động, thực chất cho quan điểm “lấy dân làm gốc”, xác lập quản trị đô thị dựa trên nền tảng ổn định, an dân.
Chương trình “4 an” - an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội, không đơn thuần là một khẩu hiệu hành chính, mà đã trở thành định hướng xuyên suốt trong điều hành ở TP này.
Với “an ninh trật tự”, TP giữ được sự yên bình và thân thiện, điều kiện không thể thiếu để thu hút người giỏi, nhà đầu tư và khách du lịch. Với “an toàn thực phẩm” và “an toàn giao thông”, Đà Nẵng không chỉ chăm lo cho chất lượng sống mà còn nâng cao hình ảnh một đô thị văn minh. Đặc biệt, với “an sinh xã hội”, TP đã biến cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” thành hành động cụ thể, từ việc hỗ trợ người yếu thế đến việc mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu.
Một trong những dấu ấn nhân văn rõ nét là chính sách phát triển nhà ở xã hội, Đà Nẵng đã chủ động đầu tư hơn 3.570 tỉ đồng để xây dựng hàng loạt dự án nhà ở phục vụ người lao động, sinh viên, hộ nghèo và người có công. Không chỉ dẫn đầu cả nước về tỉ lệ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, TP còn minh chứng rằng chính sách nhà ở không nên bị thị trường hóa hoàn toàn, mà cần giữ vai trò điều tiết để bảo đảm công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Song hành với chính sách nhà ở, tín dụng chính sách xã hội cũng là công cụ hữu hiệu giúp người dân vươn lên. Hàng chục ngàn hộ nghèo và cận nghèo tại Đà Nẵng đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi trong nhiều năm qua. Đặc biệt, chương trình cho vay hộ có mức sống trung bình, một mô hình đầy tính sáng tạo đã bù đắp khoảng trống giữa người nghèo và người giàu trong tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế. Đây là một biểu hiện rõ rệt của cách làm “chạm vào lòng dân”: Cho cần câu, không chỉ cho con cá.
Thành công của Đà Nẵng còn nằm ở khả năng tạo sự đồng thuận sâu rộng trong nhân dân. Nhiều người dân ở xã Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Khương đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở đường, chỉnh trang hạ tầng, đô thị. Điều tưởng chừng như không thể nếu không có niềm tin vào chính quyền và mục tiêu chung. Chính quyền TP không cưỡng chế, không áp đặt, mà chủ động vận động, đối thoại. Đó là chìa khóa để “cái lý” và “cái tình” cùng song hành.
Còn với DN, Đà Nẵng đồng hành chứ không đơn thuần là cơ quan quản lý qua việc thường xuyên tổ chức đối thoại, gỡ khó… và sự chủ động đồng hành này đã giữ chân được nhiều nhà đầu tư, khơi dậy niềm tin trong cộng đồng DN. Đà Nẵng còn tận dụng chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua để mở đường cho các dự án công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi số vốn là các lĩnh vực mang tính chiến lược trong kỷ nguyên mới.
Tất cả những chính sách trên phát huy hiệu quả vì nó không xa rời thực tiễn, từ nhu cầu thực tiễn, lấy dân làm gốc nên đã “chạm vào lòng dân”, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, góp phần vào sự phát triển của địa phương và của xã hội. Đó chính là sức mạnh nội sinh để Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, vững bước trên hành trình trở thành TP đáng sống, thông minh và phát triển bền vững...
LÊ PHI