Đà Nẵng: Lan tỏa thông điệp 'Cho đi là còn mãi'
Tại thành phố Đà Nẵng, qua nhiều năm phát động phong trào hiến mô, tạng với thông điệp 'Cho đi là còn mãi', đến nay đã có hơn 1.000 người tham gia và được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cấp thẻ.
Sau khi được tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng khi qua đời do Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng phát động, chị Nguyễn Thị Yến ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang chính thức tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Chị mong muốn, một phần cơ thể của mình sau khi hiến tặng sẽ giúp những người bệnh kéo dài sự sống.

Chị Nguyễn Thị Yến ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đăng ký tham gia hiến mô, tạng
Để phong trào hiến mô, tạng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, chị Yến mong muốn các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động rộng rãi hơn nữa cho người dân hiểu sâu sắc hơn về hoạt động ý nghĩa này.
“Tôi rất vui khi được đăng ký tham gia hiến mô, tạng sau khi mất. Xuất phát nhìn thấy những hoàn cảnh bệnh nhân nghèo không có đủ tiền chữa bệnh, trong lòng muốn sau khi mất thì sẽ hiến tặng mô, tạng của mình giúp đỡ bệnh nhân nghèo để họ duy trì sự sống. Những bệnh nhân khi nhận được mô, tạng của mình thì họ sẽ có nhiều động lực để vươn lên và có niềm tin trong cuộc sống. Thời gian qua mình đã vận động 5 người bạn đăng ký tham gia hiến mô, tang, sau khi mất còn giúp được cho xã hội và những bệnh nhân nghèo”, chị Yến chia sẻ.
Việc hiến mô, tạng sau khi qua đời cho y học để cứu người là nghĩa cử mang tính nhân văn đáng trân trọng. Hoạt động này rất ý nghĩa và thiết thức, lan tỏa được sự yêu thương trong cộng đồng.

Bà Huỳnh Thị Ánh đăng ký tham gia hiến mô, tạng ngay sau khi con trai bà được hồi sinh nhờ quả tim hiến tặng của người khác
Bà Huỳnh Thị Ánh, năm nay hơn 60 tuổi ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cũng tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng từ lúc con trai bà được hồi sinh nhờ quả tim hiến tặng. Chồng bị bệnh ung thư mất sớm, một mình bà Ánh phải bươn chải nuôi 4 đứa con. 6 năm trước, con trai út của bà Ánh mắc bệnh giãn cơ tim. Bà đã đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình càng nặng. Thế rồi, 2 mẹ con khăn gói ra Bệnh viện Trung ương Huế tìm cơ hội. Lúc này cậu con trai đã suy tim giai đoạn cuối.

Con trai bà Huỳnh Thị Ánh khỏe mạnh trở lại nhờ được hiến tặng tim
Nhờ có người hiến tim phù hợp, từ cậu bé xanh xao, ốm yếu, sau ca ghép tim thành công, con trai bà Ánh đã khỏe mạnh bình thường. “Sau khi con tôi được Bệnh viện Trung ương Huế điện ra có người hiến tim cho con tôi, tôi mừng lắm, từ đó con tôi được mạnh khỏe cho đền giờ, mẹ con tôi được bình an và vui sướng. Từ đó tôi đã đi đăng ký sau này qua đời tôi sẽ hiến tặng mô, tạng, hiến tất cả. Họ đã cứu sống con mình thì mình mãn nguyện. Mẹ con tôi cám ơn người mà đã hiến cho con tôi trái tim”.

Đăng ký tham gia hiến tặng mô, tạng

Các bạn trẻ đăng ký hiến mô, tạng
Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng đã có hơn 1.000 người tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng và được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cấp thẻ.

Trao thẻ cho các cá nhân đăng ký hiến tặng mô, tạng năm 2025
Hằng năm, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt tri ân những người đăng ký hiến mô, tạng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, lan tỏa thông điệp ý nghĩa cuộc sống cộng đồng với các giá trị nhân đạo.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng( áo đỏ) tuyên truyền đến người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng

Lan tỏa phong trào hiến mô, tạng
Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thông qua nhiều hoạt động, truyền thông vận động thì hiện nay số lượng người dân đăng ký hiến mô, tạng ở Đà Nẵng hơn 1.000 người. Tuy nhiên, trong việc triển khai gặp những khó khăn, nhận thức, quan niệm của người dân chưa hiểu và chưa tích cực tham gia. Chúng tôi rất mong muốn vì người bệnh, bệnh nhân, ngày càng nhiều người tham gia vào phong trào này. Chúng tôi tổ chức truyền thông đến tận khu dân cư, trường học, từng cơ quan, tầng lớp nhân dân như: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, cùng với công tác truyền thông của các phương tiện thông tin đại chúng".
"Muốn để phong trào hiến mô, tạng nhân đạo được nhân rộng, lan tỏa thì điều đầu tiên là sự thay đổi về nhận thức và sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong công tác tuyền truyền vận động đối với người dân”, bà Lê Thị Như Hồng nói.