Hồi sinh kênh rạch TP HCM

Hàng loạt dự án cải tạo kênh rạch làm thay đổi diện mạo đô thị TP HCM, mang lại niềm vui và kỳ vọng lớn cho người dân về môi trường sống trong lành, văn minh

Hôm nay (10-5), trong niềm vui của các hộ dân sống ven bờ rạch Xuyên Tâm (phường 13, quận Gò Vấp), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (Ban Hạ tầng đô thị) đã khởi công Dự án Cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật).

Kênh rạch hồi sinh, người dân vui đón diện mạo mới

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư 17.230 tỉ đồng, dài 8,8 km, đi qua quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh. Hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được 2 địa phương đẩy nhanh tiến độ.

Theo Ban Hạ tầng đô thị, chủ đầu tư sẽ khởi công trước gói thầu XL-03 đi qua phường 13, quận Gò Vấp, sau đó trước ngày 2-9-2025 sẽ khởi công 2 gói thầu gồm XL-01 (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy); gói thầu XL-02 (đoạn từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến) bao gồm các nhánh rạch Bình Lợi, Bình Triệu và rạch Cầu Sơn.

Hơn 10 năm gắn bó với hẻm 69 đường Đặng Thùy Trâm, phường 13, quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Sáu, phấn khởi cho biết: "Nghe tin khởi công dự án này, chúng tôi rất vui. Con rạch sắp được hồi sinh, người dân không phải chịu đựng mùi hôi, rác thải lềnh bềnh trên kênh. Hy vọng khi kênh xanh trở lại, cuộc sống của người dân sẽ tươi mới hơn".

Tiếp theo dự án cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm, theo Ban Hạ tầng đô thị, dự kiến tháng 9-2025 sẽ khởi công dự án cải tạo môi trường rạch bờ bắc kênh Đôi (quận 8). Dự án ảnh hưởng đến khoảng hơn 1.600 hộ dân. Dự kiến, địa phương sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 8-2025 để chủ đầu tư khởi công dự án.

Rạch Xuyên Tâm, rạch bờ bắc kênh Đôi khi hoàn thành sẽ xanh hóa những dòng kênh, giảm ô nhiễm môi trường, mang lại bộ mặt đô thị mới, nâng cao chất lượng sống cho hàng ngàn hộ dân sống dọc 2 bờ kênh.

Ngoài 2 dự án này, dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn sau 2 năm khởi công đang dần về đích.

Mới đây, ngày 28-4, Ban Hạ tầng đô thị đã cho thông xe kỹ thuật 5 đoạn thuộc các gói thầu XL-07, XL-08, XL-09 và XL-10 của dự án, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với chiều dài gần 4 km đường dọc kênh.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi trở lại đoạn đường vừa thông xe dài 1,5 km thuộc gói XL-10 (từ cầu Bến Phân đến cầu An Lộc), con đường thông thoáng, phương tiện lưu thông thuận lợi. Nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng số 1 đang cấp tập thi công trải nhựa các đoạn còn lại.

Nhìn đoạn đường thẳng tắp trước nhà đang được trải nhựa, ông Lâm Thanh Thế (hẻm số 2 Tô Ngọc Vân, phường 15, quận Gò Vấp) hồ hởi cho hay: "So với trước đây, con đường đã được mở rộng gấp đôi, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Bà con không còn mong ước gì hơn, chỉ chờ con kênh hoàn thiện, được trồng cây xanh và làm công viên để có chỗ tập thể dục".

Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Gỡ nút thắt bồi thường bằng cơ chế đặc thù

Nhìn nhận những dự án cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng cho các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP HCM không chỉ mang ý nghĩa dân sinh, giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân sống ven kênh rạch mà còn tạo mỹ quan đô thị cho thành phố, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cho rằng việc cải tạo kênh rạch ở đô thị TP HCM gắn liền với câu chuyện giải tỏa nhà trên và ven kênh. Đây là chuyện không dễ vì ảnh hưởng đến đời sống, mưu sinh, tâm lý, xã hội của người dân.

"Hơn 30 năm qua, TP HCM đã di dời khoảng 44.000 căn nhà trên và ven kênh rạch (chiếm 60% số nhà trên và ven kênh rạch), chính quyền thành phố đặt mục tiêu 5 năm tới di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven kênh rạch.

Để đạt mục tiêu này, theo tôi thành phố cần có chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng hợp lý cho người dân. Bởi đa số nhà trên và ven kênh rạch đều không có giấy phép, phần lớn do lịch sử để lại, một phần lấn chiếm mới. Thành phố cần thống kê, phân loại, cân nhắc áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 để hợp pháp hóa những trường hợp lịch sử để lại, trên cơ sở đó áp giá bồi thường để người dân an tâm sinh sống" - TS Nguyên nói.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng khi khơi thông, cải tạo kênh rạch không chỉ gầy dựng lại hệ sinh thái tự nhiên, cải tạo cảnh quan đô thị, từ đó kết nối hệ thống giao thông nội đô, tạo điều kiện phát triển giao thông thủy, phát triển kinh tế trên sông, tạo nét mới lạ cho TP HCM. Song song đó, việc cải tạo các tuyến kênh sẽ góp phần giải quyết vấn đề thoát nước, giảm ngập cho thành phố.

"Để các dự án chỉnh trang, cải tạo kênh rạch được đẩy nhanh tiến độ, TP HCM cần tập trung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi phương án bồi thường được 2 bên thỏa thuận thì nên thanh toán cho họ khoảng 80% để họ xoay chuyển cuộc sống, đi tìm chỗ ở mới, không nên cứng nhắc. Kế đến cần tập trung tìm quỹ nhà tái định cư, làm sao chỗ ở mới tương đồng, gần với nơi ở cũ nhằm thuận tiện cho người dân mưu sinh, học hành, tương đồng văn hóa dân cư" - TS Thuận cho hay.

Chi 8.613 tỉ đồng cải tạo rạch Văn Thánh

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM đã trình Hội đồng Thẩm định thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án có tổng mức đầu tư 8.613 tỉ đồng nhằm cải tạo toàn bộ tuyến chính dài 1.965 m (từ đường Võ Oanh đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và 1 tuyến rạch nhánh dài 275 m. Trên tuyến sẽ xây dựng kè bảo vệ, đường ven rạch rộng từ 6-20 m; xây mới cầu Phú An; mở rộng đường Ngô Tất Tố, công viên…

Việc cải tạo rạch Văn Thánh không chỉ giải quyết ô nhiễm, tăng mỹ quan đô thị cho tuyến rạch mà còn bảo đảm hiệu quả dự án Vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoi-sinh-kenh-rach-tp-hcm-196250509204413671.htm
Zalo