Kế hoạch hồi sinh công trình 160 tỷ đồng bị bỏ hoang tại Thanh Hóa

Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, tại thành phố Thanh Hóa, từng là công trình trọng điểm được đầu tư với tổng kinh phí gần 160 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình hiện đã bỏ hoang nhiều năm và tỉnh Thanh Hóa đang lên kế hoạch tái sử dụng vào mục đích mới.

Trung tâm hội nghị Hàm Rồng sau nhiều năm bỏ hoang

Trung tâm hội nghị Hàm Rồng sau nhiều năm bỏ hoang

Được kỳ vọng là điểm nhấn văn hóa, thể hiện sự phát triển hiện đại của thành phố, thế nhưng sau một thập kỷ hoàn thành, công trình này lại rơi vào cảnh bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản công và ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt đô thị. Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch tái sử dụng công trình này, mở ra cơ hội hồi sinh cho một dự án từng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

CÔNG TRÌNH TRĂM TỶ ĐỒNG DẦN THÀNH PHẾ TÍCH

Khởi công xây dựng từ tháng 12/2012 và hoàn thành vào cuối năm 2014, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được thiết kế với quy mô lớn, gồm ba khu chính: nhà hội nghị trung tâm có sức chứa hàng trăm người, khu đón tiếp – thông tin, nhà nghỉ sinh thái cùng hệ thống công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng diện tích xây dựng lên đến hơn 3.400m2, diện tích sàn khoảng 5.560m2, công trình được kỳ vọng sẽ phục vụ các sự kiện văn hóa trọng đại của TP Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa.

Vị trí trung tâm nằm gần danh thắng Hàm Rồng, bên bờ Nam sông Mã – nơi có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của tỉnh. Với kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại, công trình từng được đánh giá là điểm nhấn đô thị mới, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy Trung tâm hội nghị Hàm Rồng chưa bao giờ được khai thác đúng mục đích. Từ năm 2015 đến 2019, công trình chỉ được sử dụng làm trụ sở tạm thời cho Thành ủy và UBND TP Thanh Hóa trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới tại phường Đông Hải. Đến năm 2020, trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, trung tâm tiếp tục được trưng dụng làm khu cách ly tập trung cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 của thành phố.

Khi nhu cầu tạm thời này kết thúc, công trình rơi vào cảnh bỏ không, không có đơn vị nào sử dụng thường xuyên. Thời gian và điều kiện thời tiết đã khiến nhiều hạng mục bị hư hỏng nghiêm trọng: trần nhà bong tróc, hệ thống điện nước xuống cấp, mái dột, sân cỏ mọc um tùm, không gian vắng lặng và hoang phế. Từ một công trình trăm tỷ được kỳ vọng là điểm sáng đô thị, trung tâm hội nghị Hàm Rồng giờ đây chỉ còn là phế tích giữa lòng thành phố.

LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ CÔNG

Việc bỏ hoang Trung tâm hội nghị Hàm Rồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một trong những lý do chính là vị trí công trình không còn phù hợp với quy hoạch phát triển hành chính mới của thành phố. Trung tâm nằm xa khu trung tâm hành chính hiện nay, thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật cần thiết để đáp ứng yêu cầu vận hành của các cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, việc cải tạo công trình để phù hợp với mục đích sử dụng mới không đơn giản. Công trình cần đầu tư lớn về hệ thống công nghệ thông tin, an ninh, giao thông nội bộ và cơ sở vật chất chuyên biệt. Những yếu tố này khiến các phương án chuyển đổi công năng trước đây không khả thi, dẫn đến việc công trình bị bỏ không kéo dài.

Hậu quả của sự lãng phí này không chỉ là mất mát tài sản công mà còn là gánh nặng tài chính cho ngân sách địa phương. Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn vay ưu đãi của ADB với kỳ hạn vay lên đến 32 năm, bao gồm 8 năm ân hạn, lãi suất ưu đãi 1% trong thời gian ân hạn và 1,5% trong giai đoạn trả nợ gốc. Mặc dù công trình không phát huy hiệu quả, hàng năm ngân sách vẫn phải chi trả khoản nợ gốc, lãi và chịu thêm chi phí chênh lệch tỷ giá.

Ngoài ra, việc để công trình bỏ hoang còn tạo ra hình ảnh không đẹp về hiệu quả đầu tư công của địa phương, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và các nhà đầu tư.

KẾ HOẠCH TÁI SỬ DỤNG VÀ HƯỚNG ĐI MỚI

Nhận thức rõ thực trạng và hậu quả của việc bỏ hoang tài sản công, đầu tháng 5/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất phương án giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Thanh Hóa, cùng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh thực hiện kiểm kê, đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch tái sử dụng Trung tâm hội nghị Hàm Rồng.

Theo phương án mới, công trình sẽ được cải tạo, sửa chữa để chuyển đổi công năng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Dự kiến, trung tâm sẽ được bàn giao cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh sử dụng làm nơi tổ chức huấn luyện, lưu trú, thi đấu hoặc đăng cai các giải thể thao khu vực. Ngoài ra, công trình cũng có thể tiếp tục là điểm tổ chức sự kiện văn hóa hoặc phục vụ công tác hành chính – tuyên truyền của tỉnh tùy theo nhu cầu thực tiễn.

Việc tái sử dụng công trình không chỉ góp phần xử lý tài sản công tồn đọng mà còn phù hợp với định hướng phát triển văn hóa, thể thao, du lịch mà tỉnh Thanh Hóa đang theo đuổi.

Song song với kế hoạch tái sử dụng, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cùng UBND TP Thanh Hóa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan đến quá trình đầu tư, vận hành dự án để phục vụ công tác thanh tra, rà soát toàn diện nhằm làm rõ trách nhiệm và xử lý các tồn tại nếu có.

Nếu được cải tạo và khai thác hiệu quả, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng hoàn toàn có thể trở thành tổ hợp văn hóa thể thao quy mô, góp phần giảm tải cho các cơ sở khác tại trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát kỹ về pháp lý, đánh giá chi phí, hiệu quả đầu tư cải tạo, xác định rõ mô hình quản lý, khai thác trung tâm.

Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ke-hoach-hoi-sinh-cong-trinh-160-ty-dong-bi-bo-hoang-tai-thanh-hoa.htm
Zalo