Chính sách chạm đến người dân: Sức bật cho phát triển bền vững

Trong hành trình kiến tạo một TP hiện đại, nhân văn và bền vững, TP Đà Nẵng hướng đến những chính sách thực chất, có chiều sâu, xuất phát từ nhu cầu thật của người dân và doanh nghiệp.

Đó là lý do vì sao các chính sách như “4 an”, nhà ở xã hội, tín dụng cho hộ nghèo cùng hàng loạt nỗ lực gỡ vướng cho DN và thu hút đầu tư đã trở thành những điểm sáng trong hoạch định chính sách và chạm đến người dân.

Điều này là minh chứng sinh động, thực chất cho quan điểm “lấy dân làm gốc”, xác lập quản trị đô thị dựa trên nền tảng ổn định, an dân.

Chương trình “4 an” - an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội, không đơn thuần là một khẩu hiệu hành chính, mà đã trở thành định hướng xuyên suốt trong điều hành ở TP này.

Với “an ninh trật tự”, TP giữ được sự yên bình và thân thiện, điều kiện không thể thiếu để thu hút người giỏi, nhà đầu tư và khách du lịch. Với “an toàn thực phẩm” và “an toàn giao thông”, Đà Nẵng không chỉ chăm lo cho chất lượng sống mà còn nâng cao hình ảnh một đô thị văn minh. Đặc biệt, với “an sinh xã hội”, TP đã biến cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” thành hành động cụ thể, từ việc hỗ trợ người yếu thế đến việc mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu.

Một trong những dấu ấn nhân văn rõ nét là chính sách phát triển nhà ở xã hội, Đà Nẵng đã chủ động đầu tư hơn 3.570 tỉ đồng để xây dựng hàng loạt dự án nhà ở phục vụ người lao động, sinh viên, hộ nghèo và người có công. Không chỉ dẫn đầu cả nước về tỉ lệ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, TP còn minh chứng rằng chính sách nhà ở không nên bị thị trường hóa hoàn toàn, mà cần giữ vai trò điều tiết để bảo đảm công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Song hành với chính sách nhà ở, tín dụng chính sách xã hội cũng là công cụ hữu hiệu giúp người dân vươn lên. Hàng chục ngàn hộ nghèo và cận nghèo tại Đà Nẵng đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi trong nhiều năm qua. Đặc biệt, chương trình cho vay hộ có mức sống trung bình, một mô hình đầy tính sáng tạo đã bù đắp khoảng trống giữa người nghèo và người giàu trong tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế. Đây là một biểu hiện rõ rệt của cách làm “chạm vào lòng dân”: Cho cần câu, không chỉ cho con cá.

Thành công của Đà Nẵng còn nằm ở khả năng tạo sự đồng thuận sâu rộng trong nhân dân. Nhiều người dân ở xã Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Khương đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở đường, chỉnh trang hạ tầng, đô thị. Điều tưởng chừng như không thể nếu không có niềm tin vào chính quyền và mục tiêu chung. Chính quyền TP không cưỡng chế, không áp đặt, mà chủ động vận động, đối thoại. Đó là chìa khóa để “cái lý” và “cái tình” cùng song hành.

Còn với DN, Đà Nẵng đồng hành chứ không đơn thuần là cơ quan quản lý qua việc thường xuyên tổ chức đối thoại, gỡ khó… và sự chủ động đồng hành này đã giữ chân được nhiều nhà đầu tư, khơi dậy niềm tin trong cộng đồng DN. Đà Nẵng còn tận dụng chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua để mở đường cho các dự án công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi số vốn là các lĩnh vực mang tính chiến lược trong kỷ nguyên mới.

Tất cả những chính sách trên phát huy hiệu quả vì nó không xa rời thực tiễn, từ nhu cầu thực tiễn, lấy dân làm gốc nên đã “chạm vào lòng dân”, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, góp phần vào sự phát triển của địa phương và của xã hội. Đó chính là sức mạnh nội sinh để Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, vững bước trên hành trình trở thành TP đáng sống, thông minh và phát triển bền vững...

LÊ PHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-sach-cham-den-nguoi-dan-suc-bat-cho-phat-trien-ben-vung-post848969.html
Zalo