Chứng khoán Mỹ bùng nổ sau báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến

Thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 2/5), với S&P 500 ghi nhận chuỗi tăng điểm dài nhất trong hơn hai thập kỷ, khi Phố Wall tiếp nhận báo cáo việc làm tháng 4 tốt hơn dự kiến, làm dịu đi nỗi lo suy thoái.

Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York hôm 15/4/2025 (Nguồn: Getty Images)

Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York hôm 15/4/2025 (Nguồn: Getty Images)

Báo cáo việc làm được Bộ lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu (2/5) cho thấy, kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 177.000 việc làm mới vào tháng 4, dù vẫn thấp hơn so với con số 185.000 việc làm mới (đã được điều chỉnh giảm) của tháng 3, song vẫn cao hơn nhiều con số 133.000 việc làm mới mà các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ở mức 4,2%, phù hợp với kỳ vọng.

“Các thị trường đã thở phào nhẹ nhõm vào sáng nay khi dữ liệu việc làm tốt hơn dự kiến”, Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư tại Northlight Asset Management cho biết. “Trong khi nỗi lo về suy thoái vẫn đang âm ỉ, động lực mua khi giá xuống có thể tiếp tục - ít nhất là cho đến khi lệnh tạm dừng thuế quan kết thúc”.

Trước khi báo cáo việc làm tháng 4 được công bố, các nhà đầu tư cũng đã hứng khởi nhờ kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc có thể sớm tiến hành đàm phán thương mại.

Trước đó, thị trường cổ phiếu cũng đã có sự phục hồi đáng kinh ngạc kể từ khi Trump tuyên bố vào tháng trước là sẽ tạm thời chưa áp dụng thuế quan đối ứng trong 90 ngày. Thị trường đặc biệt tăng tốc trong thời gian gần đây nhờ những báo cáo thu nhập khả quan của các công ty niêm yết, dẫn tới chuỗi tăng điểm liên tục của S&P 500.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, S&P 500 tăng 1,47% lên 5.686,67 điểm, ghi nhận ngày tăng thứ 9 liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 11 năm 2004. Trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 564,47 điểm, tương đương 1,39%, lên 41.317,43 điểm; Nasdaq Composite tăng 1,51% và đóng cửa ở mức 17.977,73 điểm.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp. Trong đó S&P 500 tăng 2,9% trong tuần, hiện chỉ còn thấp hơn 7% so với mức cao nhất vào tháng 2; trong khi Dow Jones tăng 3% và Nasdaq tăng 3,4%.

Theo Jay Hatfield - Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Advisors, đợt bán tháo gần đây do lo ngại về kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể đã kết thúc. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh điểm cơn thịnh nộ thuế quan”, Hatfield cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, đồng thời nói thêm rằng, ông có mục tiêu cuối năm cho S&P 500 là 6.600. Điều đó ngụ ý mức tăng gần 18% so với mức đóng cửa của thứ Năm.

Nhưng ông không tin rằng S&P 500 sẽ tăng vượt qua mức 6.000 cho đến khi các mối lo ngại của các nhà đầu tư được giải quyết. "Chúng tôi cho rằng có ba lĩnh vực bất ổn, không chỉ là thuế quan mà còn là chính sách của Fed và chính sách thuế", ông nói thêm. "Chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ phá vỡ đáng kể trên 6.000 cho đến khi chúng ta xác định được ít nhất hai trong ba lĩnh vực đó một cách khá rõ ràng".

Tuy nhiên cũng có không ít nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng trước triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế Mỹ do chính sách thuế quan thất thường của chính quyền ông Trump.

″(Mặc dù) lợi nhuận hiện đang duy trì, nhưng nhiều công ty đang tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh tế, với định hướng và mục tiêu chi tiêu vốn được điều chỉnh thấp hơn”, nhà phân tích Emmanuel Cau của Barclays viết trong một lưu ý vào thứ Sáu. “Vì vậy, một cái gì đó phải thay đổi, vì nhiều nhà đầu cơ giá xuống có thể tỏ ra quá hy vọng nếu suy thoái trở nên không thể tránh khỏi”.

Trên thực tế, thị trường cũng đã phản ứng với các báo cáo thu nhập không mấy khả quan từ hai thành viên của "Magnificent Seven". Trong đó cổ phiếu của Apple đã giảm 3,7% sau khi công ty này công bố doanh thu quý tài chính thứ hai từ bộ phận dịch vụ của mình không đạt được ước tính của các nhà phân tích. Ngoài ra, nhà sản xuất iPhone cho biết, họ dự kiến chi phí trong quý hiện tại sẽ tăng thêm 900 triệu USD do thuế quan. Cổ phiếu của Amazon cũng giảm nhẹ.

Đặc biệt theo các nhà phân tích, thuế quan vẫn đang là yếu tố chi phối thị trường và nếu như các cuộc đàm phán thương mại không đạt được kết quả như mong đợi, rất có thể thị trường sẽ rơi vào tình trạng bán tháo trở lại.

“Chúng ta đã thấy thị trường tài chính sẽ phản ứng như thế nào nếu chính quyền tiếp tục kế hoạch áp thuế ban đầu của họ, vì vậy trừ khi họ có động thái khác vào tháng 7 khi lệnh tạm dừng 90 ngày hết hạn, chúng ta sẽ thấy thị trường có diễn biến tương tự như tuần đầu tiên của tháng 4”, Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư tại Northlight Asset Management cho biết.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-my-bung-no-sau-bao-cao-viec-lam-tot-hon-du-kien-163635.html
Zalo