Bị chồng phản bội, người vợ 'lật ngược ván cờ', thành tỉ phú từ nghề bán hàng rong

Sinh ra trong nghèo khó, mồ côi cha, bị chồng phản bội, người phụ nữ này đã biến đau thương thành sức mạnh để vươn lên và đạt thành công rực rỡ.

Cuộc đời đầy nước mắt của người phụ nữ không đầu hàng số phận

Sinh ra vào năm 1945, trong một gia đình nghèo khó tại Trung Quốc, từ nhỏ, Tang Kiện Hòa đã có cuộc sống vô cùng vất vả. Bà mồ côi cha và phải từ bỏ việc học, trở thành y tá để giúp giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình.

Sau đó, bà kết hôn và có hai cô con gái, nhưng do gia đình chồng “trọng nam khinh nữ” nên chồng bà đã lén lút xây dựng gia đình mới và có một đứa con trai. Dường như Tang Kiện Hòa hoàn toàn không có duyên với may mắn.

Vì một số lý do về thị thực, bà sau đó còn bị mắc kẹt ở Hong Kong vốn có mức sống đắt đỏ. Tại đây, bà chỉ có thể thuê một căn phòng vỏn vẹn 4m2 và bắt đầu hành trình kiếm sống đầy thử thách.

Để nuôi hai cô con gái, bà phải đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc. Từ rửa bát đĩa trong khách sạn vào ban ngày, làm thêm ở phòng khám cho đến rửa xe vào đêm khuya. Tuy nhiên, vận xui dường như vẫn bám theo người phụ nữ này. Trong một lần làm việc, Tang Kiện Hòa bị một khách hàng va phải khiến cô bị gãy xương. Nhưng điều tệ hơn nữa là ông chủ đã từ chối bồi thường cho tai nạn lao động của Tang Kiện Hòa, thậm chí còn sa thải bà.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, song bà đã từ chối sự giúp đỡ của Sở Phúc lợi Hong Kong. Bà không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội và không muốn con gái mình lớn lên trong sự thương hại của người khác.

Tình cờ trong lúc này, một người bạn nếm thử món sủi cảo bà làm và hết lời khen ngợi. Người này còn gợi ý bà nên mở một gian hàng bán sủi cảo. Tang Kiện Hòa đã thử làm theo và đẩy xe sủi cao tới bán tại một bến tàu đông đúc. Lần này, vận may đã mỉm cười với bà. Món sủi cảo với hương vị thơm ngon và mức giá bình dân nhanh chóng chiếm được cảm tình của các công nhân ở bến tàu.

Từ người bán hàng rong đến nữ tỷ phú

Khi việc kinh doanh sủi cảo ngày càng phát đạt, danh tiếng của bà Hòa cũng dần lan rộng. Một chủ cửa hàng bách hóa Nhật Bản rất thích sủi cảo của bà, vì vậy đã đề nghị hợp tác để quảng bá sủi cảo sang thị trường Nhật Bản.

Đây là một cơ hội rất lớn đối với Tang Kiện Hòa vào thời điểm đó. Nhưng ông chủ người Nhật đưa ra điều kiện: Tên thương hiệu phải được "bản địa hóa theo phong cách Nhật Bản", tức là phải thay đổi tên thương hiệu và nhãn hiệu. Bà Hòa đã kiên quyết từ chối yêu cầu này.

Sau đó, sự thành công của thương hiệu sủi cảo “WanChai Wharf” đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty quốc tế hơn. Gã khổng lồ trong ngành thực phẩm Mỹ - Pillsbury cũng đã ngỏ lời chào đón thương hiệu của bà Hòa. Đồng thời, Pillsbury còn bày tỏ mong muốn cung cấp công nghệ chuỗi lạnh tiên tiến và kinh nghiệm quản lý để giúp thương hiệu phát triển lớn mạnh hơn nữa.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Tang Kiện Hòa đồng ý hợp tác với Pillsbury. Đây chính là bước đi quan trọng để “Wan Chai Wharf ” tiến tới quốc tế hóa.

Với công nghệ sản xuất tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, sản lượng và doanh số bán hàng của Wanchai Wharf đã tăng đáng kể, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường thực phẩm đông lạnh của Trung Quốc và xuất khẩu sang Đông Nam Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Nhờ vậy, bà Tang Kiện Hòa cũng trở thành “nữ hoàng sủi cảo” giàu có với tài sản lên đến hàng tỷ NDT (1 tỷ NDT tương đương 3.485 tỷ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-chong-phan-boi-nguoi-vo-lat-nguoc-van-co-thanh-ti-phu-tu-nghe-ban-hang-rong-204250305165802344.htm
Zalo