Chuẩn bị tăng lương tối thiểu vùng?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2025 vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, sau khi đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị cung cấp thông tin kết quả chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, như thường lệ, cơ quan này sẽ đề xuất mức tăng lương vào tháng 3 hằng năm, sau khi đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do điều đặc biệt trong năm nay là các bộ, ngành đang thực hiện sắp xếp bộ máy. Đến nay, các cơ quan vẫn tập trung cao độ cho nhiệm vụ này.
“Cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới, sau khi các cơ quan hoàn thành xong việc hợp nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chính thức đề xuất mức lương tối thiểu vùng" - ông Hiểu thông tin.
![Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Ảnh: L.H](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51473879/1c49015c3012d94c8003.jpg)
Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Ảnh: L.H
Liên quan đến câu chuyện tăng lương cho người lao động trong năm 2025 mới đây kết quả khảo sát lương năm 2025 vừa được tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters công bố cho thấy, nhiều xu hướng quan trọng đang định hình cách các tổ chức tiếp cận thị trường việc làm đầy biến động. Một điểm nhấn nổi bật là kế hoạch tăng lương tại nhiều doanh nghiệp, khi 82% công ty được khảo sát cho biết sẽ điều chỉnh lương trong năm 2025. Bên cạnh việc tăng lương, các nhà tuyển dụng cũng tập trung cải thiện chương trình thu hút nhân tài thông qua chế độ thưởng cạnh tranh (76%) và đầu tư vào các chương trình đào tạo, phát triển toàn diện (67%). Những sáng kiến này không chỉ giúp thu hút ứng viên tiềm năng mà còn góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực cao, gắn bó lâu dài với tổ chức.
Thực tế ngay từ cuối năm 2024, đầu năm 2025 thị trường lao động đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng đồng loạt. Đi kèm với tuyển dụng là các chính sách lương, thưởng được doanh nghiệp đưa ra.
Trước đó, nhằm tính toán tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2025 cũng như phục vụ quản lý, công bố định kỳ tiền lương bình quân, trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp năm 2024.
Điều tra thực hiện tại 3.400 doanh nghiệp (DN) của 18 tỉnh, thành phố, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số DN lớn, thị trường lao động phát triển. Những địa phương có số lượng DN được khảo sát nhiều nhất là Hà Nội 700 DN, TPHCM 800 DN, Đồng Nai 200 DN...
Hiện nay Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cũng đang chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, việc làm, tình hình cung - cầu lao động, kiểm tra, hướng dẫn DN thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ cho người lao động. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phân tích, đánh giá tình hình thị trường lao động, việc làm, đời sống của người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Mỗi năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia đều nhóm họp để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.