Tục đón Tết của người Dao ở bản du lịch cộng đồng
Khuôn Tát (xã Phú Đình) - một trong những điểm di tích lịch sử nổi tiếng của huyện miền núi Định Hóa in đậm dấu chân Bác Hồ những năm kháng chiến. Ngày nay, Khuôn Tát không chỉ tự hào về truyền thống lịch sử mà còn là điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, người dân chốn 'thâm sơn' này còn gìn giữ, lưu truyền những nét văn hóa dân tộc đặc trưng, độc đáo của đồng bào người Dao, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Gắn di tích với du lịch cộng đồng
Homestay Thịnh Mùi - một căn nhà sàn đẹp, sạch sẽ nằm dưới bóng cây đa Khuôn Tát, có cổng, biển chỉ dẫn… rất "nghề", theo phong cách của khu du lịch cộng đồng nổi tiếng.
Ông Triệu Đình Thịnh, chủ Homestay cũng là Bí thư Chi bộ Khuôn Tát, phấn khởi khoe với chúng tôi vừa tiếp đoàn đoàn sinh viên từ Hà Nội đến trải nghiệm và lưu trú qua đêm, thưởng thức ẩm thực với những món đặc trưng của núi rừng và tổ chức giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại mang đậm phong cách bản địa.
Ông Thịnh cho biết thêm: Từ khi xóm trở thành điểm du lịch cộng đồng, tuy các đoàn khách đến lưu trú chưa nhiều nhưng lượng người đến tham quan di tích lịch sử, thác Khuôn Tát… và thưởng thức ẩm thực đang tăng dần.
Khuôn Tát có 102 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 90%. Xóm nằm cách Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De khoảng 2km. Đây cũng là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc từ tháng 11-1947 đến tháng 1-1954. Dấu chân và hình bóng của Người như vẫn còn in đậm trên dòng suối Khuôn Tát, phiến đá nơi Bác ngồi câu cá, giặt quần áo hay lán Bác Hồ…
Là một điểm di tích nằm trong quần thể di sản văn hóa - lịch sử đặc biệt, lại có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Khuôn Tát từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong những chuyến hành trình về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử và tham quan du lịch.
Với những lợi thế đó, cùng với hỗ trợ của địa phương, nhiều gia đình đã xây dựng, tân trang lại các nếp nhà sàn, khôi phục những nét văn hóa truyền thống để trở thành điểm du lịch cộng đồng. Hiện, xóm có 5 căn nhà sàn đủ điều kiện tiếp đón khoảng 100-120 du khách đến lưu trú.
Anh Hà Tiến Khải, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng ATK, đã đầu tư nhiều tỷ đồng dựng căn nhà sàn bằng gỗ 3 gian, 2 trái cùng vườn hoa cây ăn quả, rộng hàng nghìn mét vuông. Đến đây, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng bầu không khí trong lành, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương mà còn thỏa sức “checkin” giữa muôn hoa để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp.
Phong tục độc đáo ngày Tết
Nhà sàn, du lịch cộng đồng, ẩm thực đặc trưng, hát Then, đàn Tính, đốt lửa trại… là những nét đẹp mà Khuôn Tát đã và đang có. Đời sống văn hóa tinh thần của người Dao nơi đây cũng khá phong phú, trong đó, phong tục ngày Tết cũng có nhiều thú vị, đặc trưng.
Tết của bà con ở Khuôn Tát thường đến sớm, đánh dấu bằng bữa cỗ tất niên. Cứ từ khoảng từ 20 tháng Chạp, lần lượt từng nhà (thường bắt đầu từ nhà trưởng họ, người cao tuổi nhất, người có uy tín) chọn ngày mổ lợn, mời thầy về cúng, anh em trong họ, làng xóm đến liên hoan. Mỗi nhà chọn ngày nhưng không trùng nhau, bởi đây là không chỉ là bữa cơm tất niên của gia đình mà còn thể hiện sự gắn bó đoàn kết giữa anh em họ tộc và làng xóm.
Nói về phong tục và những nét riêng độc đáo ngày Tết của người Dao ở Khuôn Tát, ông Lý Văn Lâm, người có uy tín của bản, cho biết: Theo phong tục của người Dao, trong ngày cúng tất niên và năm mới bắt buộc phải có bánh dày. Bánh đặt lên ban thờ tổ tiên phải đủ 4 chiếc, tượng trưng cho 4 mùa trong năm và 4 hướng của đất trời. Điều này vừa có ý nghĩa tạ ơn trời đất, tổ tiên vừa cầu mong một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, có nhiều lộc.
Vào những ngày giáp Tết, bên cạnh việc chuẩn bị gói bánh, mổ lợn, gà... để đón năm mới, người đàn ông có vị trí cao nhất trong đình sẽ có trách nhiệm trang trí nhà cửa.
Đặc biệt, trong ngày 30 Tết, người Dao phải dọn dẹp, trang trí lại ban thờ gia tiên, cắt chữ, dán giấy đỏ lên các cửa ra vào, bàn thờ và tất cả các vật dụng trong gia đình để báo hiệu Tết đến, Xuân về.
Sau giao thừa, bước sang năm mới, mỗi người sẽ chọn hướng “đại lợi” để đi chúc Tết. Người Dao quan niệm đi theo hướng đại lợi sẽ gặp may mắn, thuận lợi và làm ăn phát đạt, nhiều sức khỏe cho cả năm. Theo quan niệm xưa của người Dao, dịp Tết còn có một số tục lệ kiêng kỵ như không quét nhà, đổ rác… trong 3 ngày Tết. Nhưng nét nổi bật của người Dao Khuôn Tát là tinh thần đoàn kết cao và đến nay vẫn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc.
Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, sự giao thoa văn hóa của các vùng miền, dân tộc, lối sống, sinh hoạt hằng ngày của bà con Khuôn Tát cũng có nét tương đồng với những bản làng người Tày ở Định Hóa. Đó là sự niềm nở, chân thành và lòng mến khách. Đặc biệt, những gia đình làm dịch vụ homestay ở Khuôn Tát luôn mở cửa chào đón khu khách đến du lịch, trải nghiệm trên vùng đất cách mạng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.