Gửi ước nguyện vào con chữ

Không biết tục xin chữ ngày Tết có từ bao giờ, đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Theo thời đại, nét đẹp này có những đổi mới, nhưng vẫn giữ vẹn nguyên ý nghĩa: Tôn vinh chữ, gửi gắm những ước nguyện, mong muốn của con người vào chữ.

Xin chữ đầu năm tại chùa Phù Liễn.

Xin chữ đầu năm tại chùa Phù Liễn.

Như một thói quen, sau khi lễ Phật, cúng gia tiên, cùng gia đình trải qua phút Giao thừa tại nhà, gia đình chị Bùi Phương Loan (phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) lại lên chùa Phù Liễn để bày tỏ ước vọng vào năm mới bình an, hạnh phúc.

Sau khi đi một vòng quanh chùa, chắp tay thỉnh bái tất cả các ban, gia đình chị dừng chân trước chiếc bàn gỗ bên tả chùa để xin chữ. Mỗi người trong gia đình sẽ xin một chữ đúng với mong muốn, mục tiêu trong năm mới của mình.

Là người “giữ lửa” yêu thương, năm nay cũng như những năm trước, chị Loan xin chữ “Bình an”. Chị nói: Đối với tôi, chỉ cần các thành viên trong gia đình được khỏe mạnh, bình an, gia đình ấm êm không xảy ra biến cố là mong mỏi lớn nhất. Tôi quan điểm, mọi sự phát triển đều bắt nguồn hai chữ bình an. Chồng tôi có khỏe mạnh, bình an, mới có thể toàn tâm phấn đấu phát triển sự nghiệp. Các con tôi có khỏe mạnh, bình an, mới có thể học tập tốt. Vì thế, tôi chỉ mong cầu sự bình an luôn ở lại bên gia đình mình.

Ở đây, chỉ có một người viết chữ, trong khi số người xin chữ thì đông, nên không ai bảo ai, tất cả đều đứng vào hàng theo thứ tự ai đến trước xin trước, ai đến sau xin sau. Đã mấy năm nay, Giao thừa năm nào anh Mai Thanh Tùng, giáo viên Trường Vùng cao Việt Bắc cũng mặc chiếc áo dài nâu ở đây viết chữ. Vừa viết chữ, anh vừa giới thiệu cho người xin để họ có thể hiểu hết được ý nghĩa của từng chữ.

Anh Tùng cho biết: Viết chữ từ lâu là đam mê của tôi và cho chữ là một hạnh phúc khó diễn tả bằng lời. Chỉ biết rằng, mỗi chữ mà người đi xin chữ chọn nhờ viết là họ gửi mong muốn, gửi cả ước mơ vào đó. Khi viết chữ, tôi thấy mình như đang tiếp thêm niềm tin cho họ, giúp họ có thêm động lực để phấn đấu đạt được mục tiêu, mơ ước.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

Đó là hình ảnh xin chữ, cho chữ ngày xưa. Trước kia, người ta thường xin chữ Hán Việt. Muốn xin chữ thường phải chờ Tết tìm đến các khu chợ đông đúc, hay vào tận nhà thầy đồ để xin. Người cho chữ thường là người hay chữ trong vùng, nho sĩ hoặc đỗ tú tài.

Viết xong, chữ được sấy khô để không bị nhòe mực.

Viết xong, chữ được sấy khô để không bị nhòe mực.

Ngày nay việc xin chữ và cho chữ cũng có những đổi khác, thường thì việc này được diễn ra ở các đền, chùa. Chữ viết cũng thay từ Hán Việt bằng chữ quốc ngữ viết dưới dạng thư pháp. Người cho chữ không chỉ là những ông đồ già còn có cả những người trẻ viết chữ đẹp. Người dân cũng không còn chỉ xin quanh 8 chữ: Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn, mà mở rộng hơn. Tùy theo lứa tuổi, nghề nghiệp, mục tiêu của từng người mà chọn chữ.

Người lớn tuổi thường xin chữ “Cát tường”, “Hòa thuận”, “Đức độ”; người trẻ hơn lại chọn “Thành công”, “Tài lộc”, “May mắn”; học sinh chọn “Đỗ đạt”, “Sáng suốt”; trẻ nhỏ chọn “An nhiên”, “Khỏe mạnh”…

Chị Nguyễn Thùy Dương (phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên) cho biết: Mỗi khi đi lễ chùa, thấy có thầy đồ viết chữ là tôi đều xin chữ, thường thì mỗi dịp đầu năm tôi xin một chữ. Mỗi khi xin được chữ mới, tôi đem về treo trước chiếc bàn trong phòng mình và gỡ chữ cũ cất vào tủ. Tùy vào mỗi giai đoạn của cuộc đời, tôi xin các chữ khác nhau theo như mong muốn của tôi ở thời điểm đó để nhắc nhở mình phải cố gắng, nỗ lực hơn. Đến nay, tôi vẫn giữ toàn bộ các chữ đã xin, thỉnh thoảng bỏ ra xem, ôn lại những kỷ niệm cũ, tôi thấy vui vì chính những chữ đó đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, sống tích cực hơn.

Nhiều người còn xin chữ về làm quà tặng ông bà, bố mẹ, con, cháu… thể hiện sự quan tâm, hiếu thuận, trân trọng người thân trong gia đình, hoặc xin những câu đối hay về treo tường. Chữ xin về thường được mọi người treo ở những nơi trang trọng trong nhà, coi như một tác phẩm nghệ thuật, nhằm trang trí cho ngôi nhà thêm sinh khí mới.

Dù treo chữ gì trong nhà thì cũng đều là hành động trân trọng chữ nghĩa. Đồng thời, chữ viết còn thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, nói lên ước vọng, quan điểm, tính cách của chủ nhà. Ngoài ra, xin chữ còn nhằm gửi gắm những mong cầu về một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.

Hải Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202501/gui-uoc-nguyen-vao-con-chu-a9e30c4/
Zalo