Chiến lược dài hạn cân đối dân số và chất lượng cuộc sống

Công tác dân số Việt Nam thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu, khống chế tốc độ gia tăng dân số nhanh, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì đến năm 2021. Song, Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức mới là mức sinh chưa bền vững và có xu hướng giảm. Từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng về thực trạng công tác dân số ở Việt Nam.

Dự báo mức sinh tiếp tục giảm

Ghi nhận thực tế, mức sinh hiện đang trên đà giảm, xu hướng này tập trung tại các đô thị và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi kinh tế phát triển hoặc đô thị hóa cao. Ngược lại, mức sinh còn cao tại các khu vực kinh tế - xã hội khó khăn như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.

Năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống 2,07 con/phụ nữ, dưới mức thay thế lần đầu tiên; trong khi mức sinh thành thị dao động 1,7 - 1,8 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước (1,47 con/phụ nữ), còn đồng bằng sông Cửu Long thấp thứ hai (1,54 con/phụ nữ).

 Cần giải quyết thách thức từ mức sinh giảm, chênh lệch vùng miền và xu hướng kết hôn muộn. Ảnh: Thành Sơn

Cần giải quyết thách thức từ mức sinh giảm, chênh lệch vùng miền và xu hướng kết hôn muộn. Ảnh: Thành Sơn

Phụ nữ 15 - 49 tuổi ở nhóm có mức sống rất nghèo sinh con nhiều hơn (2,40 con/phụ nữ), trong khi phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có trình độ học vấn dưới Tiểu học cao nhất, với 2,35 con/phụ nữ và thấp nhất là của nhóm bà mẹ có trình độ trên bậc Trung học phổ thông với 1,98 con/phụ nữ.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng nhanh, từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 27,2 tuổi (năm 2023) với nam là 29,3 tuổi và nữ là 25,1 tuổi. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên có tuổi kết hôn trung bình trên 30 tuổi. Phụ nữ thành thị kết hôn muộn và sinh ít con hơn nông thôn.

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi cao nhất tại thành thị là nhóm 25 - 29 tuổi (130/1.000 phụ nữ), thấp hơn nhiều so với nông thôn, nơi nhóm 20 - 24 tuổi có tỷ suất sinh 147 trẻ/1.000 phụ nữ. Sự chênh lệch này phản ánh sự khác biệt trong mô hình sinh đẻ giữa thành thị và nông thôn.

Có thể thấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về dân số, song, cần giải quyết những thách thức từ mức sinh giảm, chênh lệch vùng miền và xu hướng kết hôn muộn để bảo đảm phát triển bền vững.

Theo Cục trưởng Cục Dân số, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng mức sinh xuống thấp hiện nay có thể kể đến là điều kiện sống được cải thiện; học vấn, nhu cầu phát triển sự nghiệp, thu nhập và chất lượng cuộc sống tăng, khiến việc kết hôn, sinh con bị trì hoãn hoặc giảm.

Ngoài ra, việc hỗ trợ chính sách chưa đầy đủ, môi trường và các chính sách hỗ trợ gia đình có con nhỏ còn hạn chế. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh, đặc biệt là vô sinh thứ phát có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc không thể sinh con. Với tình hình hiện tại, nhiều chính sách đã ban hành trong thời gian qua không còn phù hợp trong tình hình mức sinh hiện nay.

Điều chỉnh để thích ứng với thực tế mới

Về hệ lụy của mức sinh thấp, ông Lê Thanh Dũng cho biết, việc giảm mức sinh dẫn đến thiếu hụt lao động, dân số trong độ tuổi lao động giảm, gây suy giảm kinh tế. Tiếp theo là già hóa dân số nhanh; tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh thấp làm tăng tỷ trọng người già, gây mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, nguy cơ mất khả năng chi trả.

Tiếp đó là sự suy giảm quy mô dân số; mức sinh thấp kéo dài dẫn tới giảm tự nhiên dân số, lãng phí hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế. Mức sinh thấp làm gia tăng di cư, lao động thiếu hụt, thúc đẩy nhập cư; già hóa dân số cũng làm phát sinh vấn đề về dịch vụ người già, sự khác biệt văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, cạnh tranh việc làm, gây ảnh hưởng đến ổn định xã hội...

Nhằm điều chỉnh mức sinh ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 5.6.2020 và ban hành Thông tư số 1.2021/TT-BYT ngày 25.1.2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Trong đó, có việc hỗ trợ các gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.

Tại địa phương, thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở thực trạng và xu hướng mức sinh của địa phương; các tỉnh, thành phố cũng ban hành theo thẩm quyền Chương trình, Kế hoạch để thực hiện với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố có mức sinh thấp cũng đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con đối tập thể, cá nhân.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025.

Hoàng Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chien-luoc-dai-han-can-doi-dan-so-va-chat-luong-cuoc-song-post400395.html
Zalo