Hơn 1 triệu lao động tại các khu công nghiệp, vì sao tỷ suất sinh tại Đồng Nai vẫn ở mức thấp?

Có đến 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Miền Trung trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 2024, dân số toàn tỉnh hơn 3,3 triệu người, có hơn 32.600 trẻ em mới sinh. Tỷ suất sinh thô là 10,16 phần nghìn, giảm 0,59 điểm phần nghìn so với năm 2023. Số con trung bình của phụ nữ đạt 1,52 con/người, dưới mức sinh thay thế-mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.

Trong buổi tọa đàm "Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con vì sự phát triển bền vững" do Đài PTTH Đồng Nai thực hiện, bác sĩ CKII Huỳnh Cao Hải, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: "Về mặt dân số học, tôi thấy đây rõ ràng là tác động của vấn đề kinh tế, đô thị hóa đã làm cho cơ cấu về dân số thay đổi. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, thách thức để từ đó có giải pháp nâng mức sinh, duy trì mức sinh thay thế. Tôi cho rằng Đồng Nai sẽ rất khó khăn để đạt được điều này vào năm 2030, thậm chí đến năm 2040".

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hiện nay chi phí nuôi dạy con và chăm sóc con cái càng ngày càng cao, trong khi điều kiện về lao động việc làm khó khăn dẫn đến tâm lý ngại sinh con của các cặp vợ chồng trẻ.

Bên cạnh đó, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có hơn 1 triệu lao động làm việc trong nhà máy, KCN trên địa bàn tỉnh, đa phần ở xa quê, phải thuê nhà trọ, điều kiện công việc hạn chế.

Không những thế, chính lối sống thích tự do, theo đuổi đam mê nên người trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con để dành thời gian làm việc khác.

Ông Huỳnh Cao Hải cho rằng, xu hướng kết hôn muộn là 1 trong những cản trở việc muốn duy trì mức sinh thay thế.

"Đồng Nai là 1 trong số tỉnh có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao, các KCN cần lực lượng lao động trẻ, công sức của họ đóng góp cho công ty nhà máy xí nghiệp rất lớn, thời gian cho họ tìm hiểu để đi đến kết hôn là cả 1 vấn đề. Trong khi đó chúng ta chưa chú trọng nhiều đến các vấn đề về vui chơi giải trí, tạo điều kiện giờ giấc làm việc cho các cặp thanh niên trẻ tìm hiểu nhau” – ông Hải nói.

Theo ông Hải, nếu xu hướng này không thay đổi, về mặt tương lai gần sẽ thiếu nguồn lao động, cơ cấu gia đình thay đổi, áp lực tác động lên xã hội, làm cho sự phân chia giàu nghèo,thành thị nông thôn ngày càng xa hơn. Những vấn đề này tác động ngược trở lại các cặp đang muốn kết hôn, sinh con.

Bác sĩ CKII Huỳnh Cao Hải, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đài PTTH Đồng Nai

Bác sĩ CKII Huỳnh Cao Hải, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đài PTTH Đồng Nai

Vì sao nên sinh con đầu lòng trước 30 tuổi và bé thứ 2 trước 35 tuổi?

Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Đồng Nai cho hay, về mặt sinh học, phụ nữ độ tuổi từ 20 đến trước 30 là thời điểm dễ thụ thai nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất. Nếu phụ nữ sinh con sau 35 tuổi có thể gặp nhiều biến chứng trong quá trình mang thai như sảy thai, sinh non… Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi thì con sinh ra có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, thậm chí có thể mắc hội chứng Down.

Việc sinh con muộn ở những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên cũng ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu dân số, khi tỉ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn và tạo gánh nặng về an sinh xã hội. Việc con quá nhỏ trong khi bố mẹ đã lớn tuổi cũng gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong việc chăm sóc con cũng như chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc sinh con và sinh con muộn sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.

Để ngăn chặn mức sinh thấp, ông Huỳnh Cao Hải khuyến nghị Sở y tế, ban ngành đoàn thể cùng nhau bàn bạc, đề xuất với tỉnh ủy để có chính sách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt vấn đề giảm học phí cho các cháu bé của cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chính sách về nhà ở, bố trí giờ làm cho người lao động,…

Đồng thời tận dụng các chức sắc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, tác động vào giáo dân qua những lớp giáo lý hôn nhân, sinh hoạt tôn giáo để cặp vợ chồng thực hiện chính sách khuyến sinh.

Cùng với đó, giải pháp quan trọng nhất mà các địa phương có mức sinh thấp cần thực hiện là phải tăng cường truyền thông vận động để người dân hiểu được lợi ích của sinh đủ 2 con, những bất lợi và hệ quả của việc sinh con muộn, sinh ít con. Đối tượng tuyên truyền là trẻ vị thành niên, thanh niên, những cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hon-1-trieu-lao-dong-tai-cac-khu-cong-nghiep-vi-sao-ty-suat-sinh-tai-dong-nai-van-o-muc-thap-d203746.html
Zalo