Mức sinh thay thế tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên, trong 3 năm liên tiếp lại đây, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế và là mức giảm thấp nhất trong lịch sử.
Phụ nữ ở đô thị kết hôn muộn và sinh ít con
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 được tổ chức vào ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số còn nhiều khó khăn thách thức. Trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Cụ thể năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ, đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (ước tính năm 2024 là 112/100).
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, trong hai thập kỷ qua, tại Việt Nam, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ.
Mức sinh khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ. Năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống còn 2,07 con, dưới mức sinh thay thế, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Ông Hoàng cũng cho hay, chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị đã dần thu hẹp nhưng vẫn ở mức 0,37 con/phụ nữ vào năm 2023.
2/6 vùng kinh tế- xã hội (đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ) có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Trong khi đó, 3/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế là ở trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.
Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (trung du và miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,85 con/phụ nữ.
Ông Hoàng cũng phân tích xu hướng tuổi kết hôn lần đầu đã muộn hơn, tăng 1,1 tuổi từ 24,1 tuổi năm 1999 lên 25,2 tuổi năm 2019. Sau 4 năm, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng thêm 2 tuổi, từ 25,2 tuổi lên 27,2 tuổi.
Năm 2023, tuổi trung bình lần đầu kết hôn của nam là 29,3 tuổi, tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nữ là 25,1 tuổi. Phụ nữ ở thành thị sinh con muộn và ít hơn ở nông thôn.
Dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
"Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 - 2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%/năm, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 - 2069) là 0,18%/năm, tương đương giảm bình quân 200 nghìn người mỗi năm", ông Hoàng cho biết.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 - 2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Hỗ trợ 3 triệu đồng có nâng cao được mức sinh?
Để giải quyết mức sinh thay thế giảm thấp, theo ông Hoàng, giải pháp đưa ra tại Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.
Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.
Thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con. Sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi Cục Dân số TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề nổi lên ở TP Hồ Chí Minh là mức sinh rất thấp và già hóa dân số nhanh. Hiện nay, mức sinh thay thế của TP hiện là 1,3-1,4 con/phụ nữ. Để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn thành phố. Trong đó, phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần bằng tiền là 3 triệu đồng.
"Liệu số tiền này có làm mức sinh của TP tăng trở lại hay không? Chắc chắn không bao giờ giải quyết được mức sinh thấp tại TP Hồ Chí Minh và khẳng định số tiền này không phải là hỗ trợ giải pháp kinh tế. Trên thế giới, một số đô thị dùng giải pháp hỗ trợ kinh tế để giải quyết mức sinh thấp nhưng không thành công. Số tiền này chỉ là hỗ trợ y tế trước thai kỳ, khám sàng lọc trước sinh mà thôi, thể hiện như một sự quan tâm ban đầu của TP đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con", ông Trung nói.
Để nâng cao mức sinh tại TP Hồ Chí Minh, ông Trung cho hay, chính quyền TP cũng có chính sách đặc thù như hỗ trợ học phí cho học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS cho 2 nhóm địa bàn.
Riêng ngành Y tế đang gấp rút triển khai hỗ trợ đặc thù là hỗ trợ chi phí khám cho cặp đôi trước khi kết hôn trên địa bàn TP. Nhằm giải quyết mức sinh thấp, các chính sách cần đồng bộ liên kết nhau, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để làm tốt công tác dân số, Cục Dân số cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đề nghị UBND các tỉnh, TP đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Năm 2025, Cục Dân số dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.