Chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc truyền thống đặc sắc của đền Thánh Nguyễn
Đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1989, nơi đây nổi bật với những lối kiến trúc nghệ thuật đặc sắc từ xa xưa.
Ông Phạm Văn Lưu (73 tuổi) Thủ từ đền Thánh Nguyễn cho biết: "Theo truyền thuyết năm 1121, Thiền sư Nguyễn Minh Không rời kinh thành về quê Đàm Xá xây dựng ngôi chùa nhỏ lấy tên là Viên Quang Tự để tịnh tâm tích đức, chữa bệnh cứu người".

Toàn cảnh đền Thánh Nguyễn – Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Sau khi Thiền sư Nguyễn Minh Không viên tịch, để tưởng nhớ công lao và đức độ của ông, người dân đã tôn xưng ông là Đức Thánh và đổi tên chùa Viên Quang Tự thành Đền Thánh Nguyễn. Ngôi đền tọa lạc tại thôn Đàm Xá, xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đền quay mặt về hướng Nam, hướng về Cố đô Hoa Lư, với kiến trúc tổng thể quy mô gồm bốn tòa bố trí theo kiểu "tiền nhất, hậu công". Các hạng mục được xây dựng trên trục dọc đối xứng, kết hợp với hệ thống tường bao chạy dài theo hướng Bắc - Nam, tạo nên cảm giác hài hòa, trang nghiêm và sâu thẳm.
Ngay khi bước vào đền, du khách sẽ bắt gặp Vọng Lâu - tòa nhà ba gian được cho là nơi ở cũ của Đức Thánh Nguyễn. Công trình mang lối kiến trúc mở, không có cửa, mặt trước đắp hình "Lưỡng long chầu nguyệt", mặt sau chạm "Phượng hàm thư", thể hiện nghệ thuật điêu khắc truyền thống đặc sắc.

Hiện đền Thánh Nguyễn còn lưu giữ 2 trụ đá và 2 sóc đá có tuổi đời hơn nghìn năm.
Đền chính gồm 3 tòa nối liền với nhau (tiền đường, trung đường và thượng điện) đều có 5 gian với cách thức liên kết các bộ khung kiến trúc khá giống nhau và những bộ vì nóc được làm theo kiểu chồng rường, hồi có mái đại, cùng với các cặp xà dọc, xà ngang, xà nách được ghép mộng chính xác và bám chắc chắn vào hệ thống cột đặt trên bệ đá nên tăng cường sự chịu tải của đền.
Mặt phía Tây của đền chính, các nghệ nhân xưa khéo léo khoe trọn tài nghệ điêu khắc tinh xảo của kỹ thuật chạm lộng kết hợp với bong kênh tạo nên hình ảnh long ly vui đùa, long chầu… nổi bật đẹp mắt.

Nghệ thuật chạm khắc long ly rất tinh xảo.
Cùng kỹ thuật chạm khắc đó, nhưng mặt phía Đông lại được chạm khắc hình ảnh về thôn quê rất mộc mạc, bình dị, mang đậm sắc thái dân gian của nghệ thuật thế kỷ XVII như cảnh người cưỡi voi, đôi nam nữ, cảnh thiếu nữ bên hồ sen…
Công trình kiến trúc chính sau cùng của đền là gác chuông. Tuy là một kiến trúc theo kiểu 2 tầng 8 mái, có 3 gian nhưng với hai gian bên rất hẹp nên vẫn có mặt bằng gần vuông như những gác chuông 1 gian 2 chái khác. Đây là gác chuông có niên đại sớm nhất nước ta vào khoảng thế kỷ XVI.
Theo ông Nguyễn Văn Bản (Tế chủ của đền), đền Thánh Nguyễn đến nay đã trải qua 5 đợt đại trùng tu được dẫn chứng tại 5 văn bia cổ còn lưu giữ. Đợt đại trùng tu đầu tiên là vào năm 1637 và mất 10 năm mới hoàn thành. Trong đền từ cột, xà, liệt bản (tức là vách bao xung quanh đền chính)… đều sử dụng bằng gỗ lim.

Bức chạm khắc hình ảnh thôn quê mộc mạc, bình dị có tuổi đời từ thế kỷ XVII.
Không chỉ nổi bật với kiến trúc cổ kính, đền Thánh Nguyễn còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt như cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá cổ thời Lê và Nguyễn, hai sóc đá có niên đại hơn 1.000 năm tại điện chính, cùng các chân tảng bằng đá từ thời Lý - Trần. Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật và kiến trúc cổ truyền của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, bà Vũ Thị Dược, cho biết: “Đền Thánh Nguyễn luôn được địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc độc đáo. Những năm gần đây, đền trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới nghiên cứu, kiến trúc sư.”
Bà Dược cũng nhấn mạnh: “Hằng năm, chính quyền đều kiểm tra hiện trạng đền. Nếu có dấu hiệu xuống cấp, huyện sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai phương án trùng tu phù hợp, đảm bảo giữ nguyên nét kiến trúc cổ truyền của di tích.”