Trăn trở bảo tồn đền Khánh Sơn
Đền Khánh Sơn (trên địa bàn thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay di tích này đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Không gian phía trước của đền Khánh Sơn, thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng
Đền Khánh Sơn được xây dựng vào tháng 10 năm Khải Định thứ III - (1918). Đền thờ tứ vị đại vương trong truyền thuyết, các vị thần này ứng với các vị thần trong dân gian và là những anh hùng đã có nhiều công lao đối với địa phương được Nhân dân kính trọng và tôn thờ. Ngoài thờ thần, đền cũng thờ phật, trước đây đền có tượng nhưng do chiến tranh nên đến nay đền không còn lưu giữ được.
Kiến trúc đền theo kiểu chữ nhị gồm 2 tòa đại bái và hậu cung. Hai bên cửa đền có hai cột biểu đắp đôi câu đối, trên có nghê chầu mái. Một điểm đặc biệt tại ngôi đền nay là trong khuôn viên có hai giếng cổ, trong đó có một giếng vuông và một giếng tròn được làm cùng với thời gian xây dựng đền.
Về di vật, hiện vật đền còn lưu giữ được đó là: bản chỉ vị hiệu của đền trên chất liệu giấy gió, trong viết chữ nho nói về việc thờ phụng của các dòng họ trong thôn, ngoài ra trong đền còn lưu giữ bức đại tự làm bằng gỗ mặt sơn son. Trong đền còn lưu giữ được khá nhiều câu đối, bốn mặt đều được đắp chữ nổi, phía trên xà nóc ghi năm xây dựng đền, tuy nhiên do đền đã xuống cấp nên những chi tiết này không còn nguyên vẹn.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền Khánh Sơn là nơi trú ẩn của bộ đội và người dân. Sau chiến tranh, đền được tận dụng làm lớp học tạm.
Theo ông Ngô Gia Thành, 93 tuổi, thôn Nà Chuông, ngày trước người dân tổ chức lễ hội đền rất lớn, kéo dài ba ngày có cả phần lễ và phần hội nhưng do biến cố của lịch sử, ngày nay những nội dung này không còn được tổ chức như trước nữa, người dân trong thôn chỉ tổ chức lễ chính vào ngày 17 tháng 3 âm lịch.
Qua thời gian, cùng với những thăng trầm biến cố của lịch sử, hiện nay đền đã xuống cấp nghiêm trọng, phần mái đền trang trí hình "Lưỡng long chầu nguyệt" đã bị đổ, tường rạn nứt nhiều chỗ. Phần hậu cung do mái cũ (trước đây lớp ngói âm dương) bị đổ nên hiện nay một lợp mái proxi măng; một số cấu kiện kiến trúc gỗ hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của di tích và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.
Để phục vụ tốt các nhu cầu sinh hoạt và tín ngưỡng của Nhân dân, thời gian qua, cấp ủy chính quyền và người dân trên địa bàn xã Mai pha đã huy động nguồn lực để tu sửa tôn tạo lại di tích. Ông Hoàng Thạch Cơ, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Pha cho biết: Hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã và ban quản lý đền đều vận động người dân đóng góp tiền và ngày công để sửa sang tôn tạo lại đền nhưng chỉ làm được những hạng mục nhỏ như nhà bếp, sân, đường lên xuống...
Đền Khánh Sơn là di tích có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của thành phố, thời gian qua, các đơn vị liên quan trên địa bàn đã thực hiện một số giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa Khoa học và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực giới thiệu về di tích trên các kênh truyền thông, đặc biệt là trên trang thông tin điện tử của thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động bảo vệ di tích khỏi nguy cơ xuống cấp. Năm 2024, đền Khánh Sơn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp và trên cơ sở đó, xây dựng các phương án tu bổ, các phương án này sau đó sẽ được chúng tôi trình UBND thành phố xem xét đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, phê duyệt và có hỗ trợ về chuyên môn.
Hiện nay, khối lượng công việc lớn, kinh phí nhiều trong khi khả năng của địa phương còn hạn hẹp nên việc tôn tạo đền Khánh Sơn rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, cũng như các nhà hảo tâm để di tích được tu bổ, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.