Chỉ định thầu làm điện hạt nhân Ninh Thuận: Cẩn trọng nguy cơ lợi ích nhóm
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc áp dụng chỉ định thầu là hợp lý nhưng hình thức này có thể dẫn đến nguy cơ lợi ích nhóm.
Tại báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Song hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.
![Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. (Ảnh: Đại biểu nhân dân).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_83_51475523/360092fea0b049ee10a1.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. (Ảnh: Đại biểu nhân dân).
Trước đó, Chính phủ đề xuất cơ chế áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và chỉ định thầu đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong thỏa thuận hoặc hiệp định liên Chính phủ; Áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu.
Theo Bộ Công Thương, cần thiết lựa chọn hợp đồng chìa khóa trao tay để đẩy nhanh tiến độ, do đặc thù nhà máy điện hạt nhân cần phải có nhiên liệu hạt nhân cho chu kỳ đầu, và chuyên gia vận hành bảo dưỡng trong giai đoạn đầu. Luật Đấu thầu chưa có quy định về lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu kết hợp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất kinh doanh (mua nhiên liệu hạt nhân và chuyên gia vận hành bảo dưỡng).
"Việc lựa chọn nhà thầu theo trình tự quy định của Luật Đấu thầu sẽ kéo dài thời gian, không đáp ứng được tiến độ triển khai dự án đề ra", Bộ trưởng Công Thương lý giải.
Thẩm tra về các cơ chế, chính sách đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc quy định cụ thể.
Về cơ chế để đảm bảo mức vốn đối ứng, Ủy ban này đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ và khẳng định việc đánh giá lại tài sản để bổ sung vốn tự có, việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng...là hoàn toàn chỉ phục vụ cho việc triển khai dự án điện hạt nhân, không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác.
Có ý kiến đề nghị cần có quy định chặt chẽ về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác có liên quan...; có các giải pháp kiểm soát sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.
Cũng theo ông Huy, trong công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có ý kiến đề nghị thực hiện lồng ghép thủ tục về ĐTM, công nghệ, an toàn hạt nhân để giảm bớt quy trình, thủ tục. Ủy ban hoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xem xét ý kiến trên và quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết để tránh hiểu không cần thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.