Chế độ ăn cho người mắc Hội chứng QT kéo dài
Chế độ ăn uống đóng vai trò hỗ trợ quản lý Hội chứng QT kéo dài, giúp giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
NỘI DUNG
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn khi mắc Hội chứng QT kéo dài
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người mắc Hội chứng QT kéo dài
3. Lưu ý về chế độ ăn uống cho người mắc hội chứng QT kéo dài
Hội chứng QT kéo dài là chứng rối loạn hoạt động điện của tim. Theo đó, do sự bất thường hoạt động điện tái cực thất sẽ gây ra xoắn đỉnh (nhịp nhanh thất), giảm cung lực tim bởi nhịp nhanh. Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến hồi hộp, co giật, ngất, có nguy cơ dẫn tới tử vong.
Theo TS.BS Trần Văn Hùng - chuyên khoa tim mạch, thông thường tim đập khoảng 100.000 lần một ngày để lưu thông máu trong cơ thể. Hành động này được điều khiển bằng xung điện tạo ra trong nút xoang, một nhóm các tế bào trong buồng trên bên phải của tim, những xung điện đi qua tim và làm nó co bóp. Sau mỗi nhịp tim, tim với hệ thống điện chuẩn bị cho nhịp tim kế tiếp. Quá trình này được gọi là tái cực. Trong hội chứng QT kéo dài, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp giữa các nhịp đập. Điều này gây xáo trộn điện, thường có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG), được gọi là một khoảng QT kéo dài.

Nhiều người bị hội chứng QT kéo dài nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn khi mắc Hội chứng QT kéo dài
Khi được chẩn đoán mắc Hội chứng QT kéo dài, bệnh nhân thường được khuyến nghị thay đổi lối sống, tránh gắng sức quá mức và các hoạt động thể chất vất vả. Cùng với việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn của bệnh nhân nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm có lợi cho tim mạch, như trái cây và rau củ...; giảm thiểu ăn mặn và tránh sử dụng các chất kích thích.
Một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục thường xuyên. Vận động giúp tim mạch khỏe mạnh, giảm cân và giảm stress. Duy trì cân nặng ở mức ổn định và phù hợp để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề và điều trị kịp thời.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người mắc Hội chứng QT kéo dài
Dưới đây là những dưỡng chất cần thiết cho người bệnh Hội chứng QT kéo dài:
Kali: Kali là một khoáng chất điện giải quan trọng, giúp duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể và điều hòa nhịp tim. Kali giúp giảm nguy cơ xảy ra các cơn nhịp tim bất thường và đột tử ở người mắc Hội chứng QT kéo dài.
Magie: Magie cũng là một chất điện giải quan trọng, giúp ổn định nhịp tim và hỗ trợ chức năng tim mạch. Magie giúp giảm nguy cơ xảy ra các cơn nhịp tim bất thường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mức kali thấp có thể kích hoạt Hội chứng QT kéo dài và cơ thể cần magie để sử dụng kali.
Canxi: Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp tim và hỗ trợ chức năng tim mạch. Canxi giúp duy trì nhịp tim ổn định và giảm nguy cơ xảy ra các cơn nhịp tim bất thường.
Acid béo omega-3: Acid béo omega-3 có tác dụng chống viêm, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và hỗ trợ chức năng tim mạch. Acid béo omega-3 giúp giảm nguy cơ xảy ra các cơn nhịp tim bất thường và cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Omega-3 đã được chứng minh là làm giảm khoảng QT. Ngoài ra, một nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa mức insulin/đường huyết và khoảng QT - việc duy trì mức đường huyết cân bằng là rất quan trọng.
Chất xơ: Chất xơ giúp giảm cholesterol xấu, ổn định đường huyết và tốt cho hệ tiêu hóa. Chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể.
3. Lưu ý về chế độ ăn uống cho người mắc hội chứng QT kéo dài
- Người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Ưu tiên thực phẩm tươi: Chọn thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng.
- Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn: Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ hộp vì chúng thường chứa nhiều muối, đường, chất béo không lành mạnh.
- Kiểm soát lượng muối: Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng đến tim mạch. Người bệnh cần giảm lượng muối ăn vào. Thay vì dùng muối, có thể sử dụng các loại gia vị tự nhiên như rau thơm, tỏi, ớt để tăng hương vị cho món ăn.
- Đảm bảo đủ nước cho cơ thể: Uống đủ nước giúp duy trì cân bằng điện giải, hỗ trợ chức năng tim mạch. Lượng nước cần thiết là khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào cân nặng và mức độ hoạt động.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh lâu dài là chìa khóa để có một trái tim khỏe mạnh và một cuộc sống chất lượng.
3.1 Những thực phẩm người bệnh nên ăn
Thực phẩm cung cấp cả kali và magie
Thịt, cá và các loại protein từ động vật: thịt bò, thịt gà, gà tây, thịt lợn, cá bơn, cá tuyết, cá mòi, sò điệp, cá mú, hàu, tôm, sữa (không béo hoặc tách béo), sữa chua.
Các loại đậu: đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu lăng, đậu nành, đậu gà, đậu thận.
Các loại ngũ cốc: lúa mạch, gạo lứt, hạt kê, hạt diêm mạch, kiều mạch, lúa mạch đen nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám.
Các loại hạt: hạt điều, hạt phỉ, hạt hồ đào, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt bí ngô, hạt hướng dương, hạt vừng, hạt lanh.
Rau: atisô, măng tây, củ cải đường, bông cải xanh, cà rốt, cải Brussels, súp lơ, cần tây, cải xanh/rau cải mù tạt, ngô ngọt, cải xoăn, rau lá xanh, nấm, đậu bắp, củ cải đường, đậu xanh, khoai tây (còn vỏ), bí ngô, dưa cải bắp, rau bina, khoai lang, cà chua, các sản phẩm từ cà chua, củ cải,...
Trái cây: bơ, chuối, mâm xôi đen, nho đen, dưa lưới, kiwi, cam, đu đủ, dâu tây, dưa hấu, bao gồm cả trái cây sấy khô (mơ, chà là, sung, đào, lê, mận khô, nho khô)...
Nguồn thực phẩm giàu acid béo omega-3
Cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích...);
Hạt lanh;
Hạt chia;
Dầu cá...
Nguồn thực phẩm giàu canxi:
Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai...);
Rau xanh đậm (cải xoăn, bông cải xanh...);
Đậu phụ;
Cá mòi;
Hạnh nhân...
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ
Rau xanh;
Trái cây;
Các loại đậu;
Ngũ cốc nguyên hạt...
3.2. Người mắc Hội chứng QT kéo dài nên hạn chế caffeine, rượu bia và đồ uống thể thao
Caffeine và rượu bia có thể gây rối loạn nhịp tim. Hạn chế hoặc tránh các loại đồ uống này để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Không nên uống nhiều đồ uống thể thao vì thường có hàm lượng đường và natri cao (sẽ làm loãng kali trong máu). Đồng thời người bệnh cũng cần hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa như mỡ động vật, lòng đỏ trứng... Nên lựa chọn chế độ ăn nhạt và hạn chế muối, mì chính, đường mía, hạt nêm...
Cần lưu ý là người bệnh không được tự ý thay đổi chế độ ăn uống. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và loại Hội chứng QT kéo dài, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung vitamin và khoáng chất để đảm bảo cân bằng điện giải.