Cao điểm cúm mùa: Chuyên gia khuyến cáo trường hợp nguy cơ diễn biến nặng

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nhóm người lớn tuổi, người có các bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh lý về tim mạch, hô hấp, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường hoặc những người có suy giảm miễn dịch có tỷ lệ diễn biến nặng khi mắc cúm cao hơn so với người khỏe mạnh. Do đó, những trường hợp này nên ưu tiên việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

Cúm là dịch bệnh đang được nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện tại. Theo thông tin từ các cơ sở y tế, số trường hợp mắc cúm có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Trong đó, đã có nhiều ca diễn tiến nặng, bị tổn thương phổi nghiêm trọng.

Khu vực phía Bắc đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp, phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc cúm mùa. Những ngày vừa qua, nhiều người dân lo lắng về vấn đề triệu chứng cúm như thế nào thì cần nhập viện, cách phòng bệnh ra sao, có nên tiêm vaccine phòng cúm, mua thuốc kháng virus về sử dụng để bảo vệ bản thân hay không,...

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để làm rõ những thông tin này.

 Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Xuân Quý)

Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Xuân Quý)

Trường hợp nào cần nhập viện khi mắc cúm?

- Thưa bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, bác sĩ có thể cho biết vì sao vào giai đoạn mùa đông xuân, số ca mắc cúm thường có xu hướng gia tăng? Triệu chứng điển hình của bệnh cúm là gì?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Cúm mùa là bệnh lưu hành ở Việt Nam quanh năm, nhưng ở khu vực miền Nam không có mùa đông nên dịch cúm có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, mà không có sự gia tăng rõ rệt ở một khoảng thời gian nhất định. Khu vực phía Bắc lại có mùa đông xuân, là mùa khí hậu rất lạnh. Trong điều kiện thời tiết lạnh, niêm mạc đường hô hấp của người rất dễ bị tổn thương, sức đề kháng suy giảm, do đó những dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp sẽ có xu hướng gia tăng, trong đó có dịch cúm.

Về triệu chứng, do cúm là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên người bệnh trước hết phải có triệu chứng sốt, một số trường hợp sốt nhẹ, một số sẽ sốt cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có các triệu chứng của viêm long đường hô hấp như đau họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi. Người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đau mỏi khắp người, một số trường hợp có tình trạng tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ nhỏ tỷ lệ tiêu chảy sẽ cao hơn.

Những triệu chứng này cũng tương tự triệu chứng của các bệnh do virus khác gây bệnh hô hấp, trong đó có cảm lạnh. Tuy nhiên, những người bị cảm lạnh thường các triệu chứng sẽ nhẹ hơn so với người bị bệnh cúm, mặc dù phổ triệu chứng khá trùng với nhau.

- Vừa qua, thông tin một minh tinh ở Đài Loan (Trung Quốc) qua đời có liên quan đến bệnh cúm đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Bác sĩ có thể cho biết những trường hợp nào có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm và trong trường hợp nào thì người dân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Với bệnh cúm, nhìn chung đa số bệnh nhân đều diễn biến nhẹ và tự hồi phục, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ có thể có các diễn biến nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Trường hợp minh tinh người Đài Loan (Trung Quốc) là một trường hợp xác suất ngẫu nhiên không may rơi vào bệnh nhân.

Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng ở nhóm người lớn tuổi, người có các bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh lý về tim mạch, hô hấp, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường hoặc những người có suy giảm miễn dịch thì tỷ lệ diễn biến nặng sẽ cao hơn so với người khỏe mạnh bình thường. Do đó, lý tưởng là những người có bệnh nền, tuổi cao sức yếu nên đi khám khi có bệnh cúm. Trong quá trình khám, các thầy thuốc sẽ đánh giá người bệnh có phải nhập viện không, hay có thể điều trị tại nhà.

Với những trường hợp khác khi bị cúm nhìn chung sẽ tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu không may xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, ho nhiều, có đờm đục, sốt không kiểm soát được hoặc cảm thấy mệt lả, đau ngực, ho ra máu, trẻ nhỏ có lờ đờ, li bì,… thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được đánh giá đúng mức các triệu chứng, xem xét có cần nhập viện hay không.

Hiện nay, số bệnh nhân cúm đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là khoảng vài chục ca, đều là trường hợp lớn tuổi, người có bị bệnh nền lo ngại khi bị cúm nên tới điều trị. Trong đó, có khoảng 4 - 5 ca nặng, cần điều trị hồi sức tích cực.

 Bệnh nhân cúm A diễn tiến nặng điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Xuân Quý)

Bệnh nhân cúm A diễn tiến nặng điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Xuân Quý)

Tự ý sử dụng Tamiflu có thể gây nhiều hệ lụy

- Những ngày qua, số ca mắc cúm tăng mạnh kéo theo nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm cũng tăng cao. Bác sĩ có những lưu ý gì cho người dân về vấn đề tiêm phòng, chúng ta nên tiêm vaccine vào thời điểm nào là tốt nhất cho sức khỏe?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Miền Bắc vừa trải qua một đợt lạnh tương đối kéo dài nên số người ghi nhận có triệu chứng của cúm sẽ gia tăng hơn so với những thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, so với cùng thời điểm những năm trước thì số ca mắc cúm cũng không có sự gia tăng đáng kể. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể tương đối bình tĩnh về vấn đề này.

Việc tiêm vaccine phòng cúm đem lại một số ích lợi như làm giảm tỷ lệ mắc cúm, thông qua đó làm giảm tỷ lệ diễn biến nặng do cúm. Bởi vậy, người dân có thể tiêm phòng để tránh bị mắc cúm, ít nhất là hạn chế được thời gian bị bệnh, sốt, ho, gây khó chịu đến cơ thể hoặc phải nghỉ làm, trẻ nhỏ phải nghỉ học... Tất cả mọi người đều có thể tiêm phòng cúm theo đúng chỉ định của loại vaccine đó.

Nhìn chung, người ta khuyến cáo vaccine phòng cúm nên được tiêm nhắc lại hằng năm bởi virus cúm thường xuyên thay đổi về mặt di truyền, khiến vaccine của năm nay không bảo vệ được người bệnh sang năm sau.

Ở khu vực Bắc bán cầu, các khuyến cáo cho thấy thời điểm tiêm phòng cúm tốt nhất vào khoảng tháng 9, tháng 10 để có thể ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm cúm gia tăng trong vụ đông xuân. Còn ở các địa phương khác như khu vực miền Nam sẽ chịu ảnh hưởng của cả các chủng virus cúm lưu hành ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu, do đó chúng ta có thể lựa chọn tiêm phòng cúm vào các thời điểm khác trong năm cũng không ảnh hưởng.

 Tiêm vaccine là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm (Ảnh: Xuân Quý)

Tiêm vaccine là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm (Ảnh: Xuân Quý)

 Nhân viên y tế tư vấn cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng cúm (Ảnh: Xuân Quý)

Nhân viên y tế tư vấn cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng cúm (Ảnh: Xuân Quý)

- Không chỉ vaccine mà sau khi các ca mắc cúm gia tăng trong thời gian vừa qua, thuốc ức chế virus Tamiflu cũng trở thành mặt hàng được nhiều người "săn lùng". Bác sĩ có thể cho biết việc người dân tự ý mua Tamiflu về điều trị có hợp lý hay không và có thể gây ra những hệ lụy nào cho sức khỏe?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bất cứ một loại thuốc nào cũng đều có ích lợi và tác dụng phụ. Do vậy, bác sĩ khi chỉ định thuốc cho bệnh nhân đều phải cân nhắc giữa ích lợi và nguy cơ.

Nói riêng với thuốc Tamiflu, trong hướng dẫn chẩn đoán điều trị cúm của Bộ Y tế có nêu thuốc này ưu tiên cho các đối tượng như người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý nền và chỉ định trong trường hợp bị bệnh cúm nặng. Với những người bình thường, trẻ khỏe, có cơ hội cao tự hồi phục sau 5 -7 ngày mắc cúm thì việc cố gắng mua Tamiflu về uống chưa chắc đã đem lại lợi ích nhiều nếu so với nguy cơ của nó.

Ngoài việc phải bỏ ra một khoản kinh phí mua thuốc, người bệnh cũng có thể phải chịu các tác dụng phụ như tình trạng bồn chồn, khó chịu, mất ngủ, một số trường hợp đặc biệt có thể dẫn đến trầm cảm. Dù tác dụng phụ này không kéo dài, nhưng chúng ta phải đánh giá cụ thể ích lợi, tiềm năng và nguy cơ của việc sử dụng để cân nhắc. Do đó, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc chỉ định thuốc.

 Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Xuân Quý)

Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Xuân Quý)

- Bác sĩ có thể đưa ra khuyến cáo về những biện pháp mà người dân nên thực hiện để phòng tránh mắc cúm? Đâu là giải pháp quan trọng nhất, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp nên khi trong cộng đồng hay trong cơ quan, đơn vị có người mắc cúm, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường hô hấp. Người bệnh nên có ý thức đeo khẩu trang, tránh khạc nhổ bừa bãi, hạn chế đến những nơi đông người chật chội để giảm bớt nguy cơ phát tán virus, lây truyền cho người khác.

Với người phải chăm sóc, tiếp xúc gần trường hợp có các triệu chứng của cúm cũng nên thực hiện biện pháp bảo vệ đường hô hấp như đeo khẩu trang, vệ sinh thường xuyên các bề mặt xung quanh để tránh mầm bệnh của người bệnh phát tán ra môi trường xung quanh. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh tay bằng cách rửa tay với xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn bàn tay.

Những người có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm như người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý nền nên ưu tiên việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Trường hợp là người trẻ khỏe nhưng e ngại nếu bị cúm phải nghỉ việc, cơ thể khó chịu thì vẫn có thể đi tiêm phòng cúm.

- Trân trọng cảm ơn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã chia sẻ!

Video: Nguyễn Liên - Xuân Sơn

Nguyễn Liên - Xuân Quý - Xuân Sơn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cao-diem-cum-mua-chuyen-gia-khuyen-cao-truong-hop-nguy-co-dien-bien-nang-post404476.html
Zalo