4 kiểu ăn sáng gây hại sức khỏe, nên bỏ càng sớm càng tốt
Thói quen ăn sáng không lành mạnh như ăn đồ nhiều dầu mỡ hay thức ăn nhanh cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Các loại thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh. Ảnh: Pexels.
Buổi sáng là thời điểm quan trọng để bổ sung năng lượng, giúp cơ thể tỉnh táo và sẵn sàng cho một ngày mới. Một bữa sáng lành mạnh không chỉ cung cấp dinh dưỡng cần thiết mà còn hỗ trợ quá trình trao đổi chất, duy trì sức khỏe lâu dài.
Tuy nhiên, không phải thói quen ăn sáng nào cũng tốt. Một số lựa chọn tưởng chừng tiện lợi nhưng lại có thể gây hại, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cân nặng và thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Dưới đây là 4 kiểu ăn sáng bạn nên tránh để bảo vệ sức khỏe.
Ăn lại thức ăn từ hôm trước
Một số gia đình có thói quen tiết kiệm bằng cách tận dụng thức ăn từ bữa tối hôm trước để hâm nóng cho bữa sáng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức, nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe.
Việc ăn lại đồ ăn cũ, đặc biệt là nếu bảo quản không đúng cách, có thể làm mất đi giá trị dinh dưỡng, thậm chí tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.
Mất dinh dưỡng: Quá trình hâm lại có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất dễ mất đi khi bị đun nóng lại nhiều lần.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm: Nếu đồ ăn không được bảo quản đúng cách, vi khuẩn có thể phát triển và sinh sôi, đặc biệt là khi thực phẩm đã được nấu chín rồi để nguội và hâm lại nhiều lần. Điều này có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Biến chất dầu mỡ: Các món ăn chứa dầu mỡ khi hâm lại có thể tạo ra các hợp chất có hại, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Thực phẩm kém tươi: Đồ ăn hâm lại lâu ngày có thể mất đi độ tươi ngon và hương vị, dẫn đến việc tiêu thụ thực phẩm không còn ngon miệng.
Theo China Times, một số thực phẩm như trứng luộc, nấm, rau xào, thịt gà... không nên hâm nóng lại mà tốt nhất nên ăn hết trong một lần. Khi bảo quản trong tủ lạnh, những thực phẩm này có thể thay đổi cấu trúc dinh dưỡng, làm giảm giá trị ban đầu và thậm chí tạo ra các hợp chất có hại.
Ví dụ, nitrat trong rau xanh có thể chuyển hóa thành nitrit, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hóa và tim mạch. Trong khi đó, thịt gà hâm lại có thể khiến protein biến đổi, gây khó tiêu và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Việc hâm nóng lại thức ăn thừa sẽ khiến cho thực phẩm bị giảm dinh dưỡng hoặc biến chất. Đặc biệt là với các món như rau xanh, hải sản, nấm, khoai tây... Ảnh: Unsplash.
Ăn thức ăn nhanh, đầy dầu mỡ
Xúc xích, thịt hộp kết hợp với trứng ốp la và bánh mì là lựa chọn phổ biến cho bữa sáng của nhiều người. Tuy nhiên, theo Healthline, việc ăn nhiều xúc xích, thịt hộp thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và thừa cân, do những thực phẩm này chứa nhiều chất béo xấu và carbohydrate tinh chế.
Ngoài ra, những món ăn này thường thiếu protein và chất xơ, khiến cảm giác no không kéo dài, dễ gây đói nhanh và giảm năng lượng trong ngày.
Bên cạnh đó, các món bún thịt xào, mì xào, bún thịt nướng dù nhiều dầu mỡ nhưng lại được nhiều người yêu thích vào bữa sáng. Theo Tạp chí Obesity Reviews, thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh có thể làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, từ đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Uống cà phê thay cho bữa sáng
Nhiều người có thói quen bỏ bữa sáng và chỉ uống cà phê để tỉnh táo, nhưng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Theo Healthline, caffeine có thể kích thích dạ dày tiết axit hydrochloric, làm tăng nguy cơ ợ nóng, khó tiêu và trào ngược axit. Ngoài ra, caffeine còn có thể làm tăng nồng độ cortisol - hormone gây căng thẳng - dẫn đến lo lắng, căng thẳng và ảnh hưởng huyết áp.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự gia tăng cortisol do caffeine chỉ là tạm thời và không gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, dù uống khi bụng đói hay cùng thức ăn. Dù vậy, việc bỏ qua bữa sáng và chỉ uống cà phê cũng khiến cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, chất xơ và vitamin, dẫn đến giảm năng lượng và suy giảm sức khỏe tổng thể.
Ăn đồ ngọt vào buổi sáng
Nhiều người cho rằng một chiếc bánh ngọt hoặc một cốc sữa là đủ cho bữa sáng, nhưng theo Health Digest, tiêu thụ đồ ngọt ngay khi thức dậy có thể làm đường huyết tăng nhanh, buộc cơ thể tiết insulin để hạ xuống, dẫn đến uể oải, mệt mỏi. Ngoài ra, đường đơn trong bánh ngọt và đồ uống có đường không chỉ gây dư thừa calo mà còn làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa.
Theo Vogue, các loại bánh rán, croissant, muffin việt quất chứa nhiều carbohydrate đơn giản, dễ làm đường huyết dao động mạnh, gây mệt mỏi và tăng cảm giác thèm ăn. Thay vào đó, bạn nên chọn muffin ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám với phô mai ít béo, bơ, cà chua hoặc trứng để duy trì năng lượng ổn định hơn.