Cánh cửa mới, động lực mới

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (DN) về nhiệm vụ, giải pháp để DN tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, vừa tổ chức được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới, động lực mới.

Bởi đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các DN nhân dịp đầu xuân mới 2025, với mục tiêu lắng nghe, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có giải pháp nhằm đưa khu vực DN tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng DN. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy cộng đồng DN đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 DN đang hoạt động, trong đó có khu vực DN tư nhân.

Có điều, khu vực DN tư nhân đang kỳ vọng có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách để bứt phá trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo. Bởi thời gian qua, các DN tư nhân thường bị thiệt thòi hơn so với khu vực DN nhà nước và cả DN FDI. Các DN tư nhân có tiềm năng, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số DN nhưng tỉ lệ đóng góp vào GDP lại chưa nhiều.

Các DN tư nhân mong muốn có chính sách hỗ trợ, đồng hành cụ thể cho từng nhóm ngành nghề, như chính sách đang hỗ trợ cho DN nhà nước, gồm cơ chế đầu tư, hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế…; bình đẳng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ giữa các khu vực DN, để DN nhỏ liên kết với nhau hoặc liên kết với DN lớn hơn; quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân, bởi điều này sẽ góp phần tăng nội lực của nền kinh tế...

Không khó để nhận thấy đầu tư vào DN tư nhân sẽ huy động nguồn lực trong dân, thay vì đi gửi tiết kiệm ngân hàng, họ sẽ lấy tiền ra làm ăn, sản xuất, kinh doanh, buôn bán… Khi chính sách cho kinh tế tư nhân mạnh mẽ, kích thích toàn dân tham gia vào đầu tư, gia tăng giá trị kinh tế cho xã hội thì nội lực và sức đề kháng của nền kinh tế cũng tăng lên, trong trường hợp thị trường quốc tế biến động, dòng vốn FDI bị tác động, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự mạnh mẽ.

Đơn cử, trong mảng du lịch và hàng không mà Vietravel đang hoạt động, kiến nghị cần đầu tư, thiết kế ban hành thêm nhiều chính sách hơn nữa. Bởi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là ngành kinh tế tổng hợp có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Năm 2025, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 2 con số. Vậy cần chính sách gì, cần nghiên cứu, làm những gì cho ngành kinh tế mũi nhọn này? Cần "mũi khoan" để khoan phá tạo tốc độ tăng trưởng 2 con số thật sự ấn tượng cho thị trường trong nước và quốc tế. Và không chỉ du lịch, DN tư nhân trong các ngành kinh tế khác cũng đều cần sự hỗ trợ tương tự để góp phần thúc đẩy kinh tế tăng tốc.

Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel & Vietravel Airlines

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/canh-cua-moi-dong-luc-moi-post311074.html
Zalo