Một doanh nghiệp phía Nam niêm yết giá vàng thấp hơn giá thế giới
Lúc 16h ngày 11/2/2025, giá bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn phổ biến là 90,7 triệu đồng/lượng, chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 700 nghìn đồng (quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí). Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn gần 1%, cá biệt, một doanh nghiệp phía Nam niêm yết giá vàng thấp hơn giá thế giới...
Chốt phiên 11/2 so với chốt phiên 10/2, trên thị trường vàng miếng, Công ty SJC giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào, giảm 600.000 đồng/lượng đối với chiều bán ra, giao dịch mua/bán tại 88,2 – 90,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua/bán vàng miếng tại SJC còn 2,5 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải và Phú Quý chốt phiên 11/2 cũng đồng loạt điều chỉnh giá mua giảm 100.000 đồng/lượng và giá bán giảm 600.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên 10/2, giao dịch tại 88,2 – 90,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua-bán là 2,5 triệu đồng/lượng.
Ngày 11/2, chênh lệch mua–bán của vàng nhẫn dao động từ 1,7 – 2,5 triệu đồng. Chốt phiên, DOJI có mức chênh lệch mua bán vàng nhẫn cao nhất là 2,7 triệu đồng.
Ở khu vực phía Nam, giá vàng miếng tại Công ty Mi Hồng chốt phiên 11/2 ghi nhận nhịp điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và giữ nguyên giá chiều bán so với giá chốt phiên 10/2, giao dịch tại 88,4 – 89,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua-bán là 1,4 triệu đồng/lượng.
Tính đến 16h ngày 11/2, tại 2 ngân hàng Agribank và BIDV, giá bán vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 92,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán vàng miếng tại VietinBank là 92,3 triệu đồng/lượng và Vietcombank là 90,9 triệu đồng/lượng. Trái với xu hướng của toàn thị trường, giá bán vàng miếng tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ 600 nghìn - 2,5 triệu đồng/lượng so với mức 90,3 triệu đồng/lượng trong phiên hôm qua (10/2).
Trên thị trường vàng nhẫn, chốt phiên 11/2, giá mua vào vàng nhẫn "4 số 9" tại Công ty SJC vẫn giữ nguyên trong khi giá bán ra giảm 200.000 đồng/lượng so với phiên 10/2, giao dịch tại 88 – 90,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán ở mức 2,5 triệu đồng.
Tại Công ty DOJI, chốt phiên, giá vàng nhẫn mua vào giảm 1,2 triệu đồng/lượng và giá bán ra giảm 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên 10/2, giao dịch tại 88 – 90,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán ở mức 2,7 triệu đồng.
Đóng cửa phiên 11/2, Công ty Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải cũng điều chỉnh giá mua vàng nhẫn giảm 350.000 đồng/lượng và giá bán ra giảm 600.000 đồng/lượng so với phiên 10/2, giao dịch ở mức 88,5 – 90,65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán 2,15 triệu đồng.
Giá mua vàng nhẫn tại Công ty Phú Quý đóng cửa phiên 11/2 cũng giảm 200.000 đồng/lượng và giá bán giảm 500.000 đồng/lượng so với phiên 10/2, giao dịch tại 88,2 – 90,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán là 2,5 triệu đồng/lượng.
Công ty Mi Hồng niêm yết giao dịch mua, bán tại 88,1 – 89,8 triệu đồng/lượng trong phiên chiều nay, giá mua vào giảm 100.000 đồng/lượng trong khi giá bán ra tăng 100.000 đồng/lượn so với giá chốt phiên 7/2. Chênh lệch giá mua-bán là 1,7 triệu đồng/lượng.
So với Công ty SJC, ngoại trừ DOJI, giá mua vàng nhẫn ở Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Mi Hồng và Phú Quý đều cao hơn từ 100.000 – 400.000 đồng/lượng. Giá bán vàng nhẫn tại Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải đều cao hơn SJC từ 150.000 – 200.000 đồng/lượng.
Cập nhật lúc 16h ngày 11/2 (giờ Việt Nam), tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 12,6 USD/oz so với mức chốt phiên ngày 10/2, hiện giao dịch ở mức 2.905,2 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương khoảng 90,01 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí). Chốt phiên 11/2, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp xuống còn 700 nghìn đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), tương đương 0,67%.
Chốt phiên 11/2, giá bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn tại Công ty Mi Hồng đều ghi nhận thấp hơn so với giá vàng thế giới (đã quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế và phí) khoảng 210.000 đồng/lượng.
Bắt đầu từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC. Giải pháp này được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20-24% trong một thời gian dài từ nửa sau năm 2023 đến 31/5/2024.
Theo ghi nhận của VnEconomy, đến tháng 8/2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục thu hẹp xuống còn 4-5% và duy trì ổn định cho đến cuối năm 2024; thấp hơn mức chênh lệch trung bình 17 năm qua là 7%.
Theo các chuyên gia, nếu mức chênh lệch 0,67% giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày 11/2/2025 được duy trì trong thời gian dài; các giải pháp ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước và các bộ/ngành liên quan được coi là thành công.