'Trùm nhà ở xã hội' đối mặt với áp lực lớn về tài chính
Mặc dù lợi nhuận năm 2024 tăng mạnh so với 2023 và đạt mức cao nhất 5 năm, nhưng CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) vẫn ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Đặc biệt, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm kỷ lục 1.718,1 tỷ đồng.
Kết thúc quý IV/2024, Địa ốc Hoàng Quân ghi nhận doanh thu đạt 54,92 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 100,16 tỷ đồng; lãi sau thuế trong quý IV đạt 5,95 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 32,6 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 32,6% so với kế hoạch năm.
Trong đó, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng - chi phí quản lý doanh nghiệp) ghi nhận lỗ 27,76 tỷ đồng và chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính.
Tính chung cả năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 100,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 32,5 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ năm 2020.
![Dòng tiền kinh doanh chính của Địa ốc Hoàng Quân ghi nhận âm kỷ lục 1.718,1 tỷ đồng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_594_51450939/3978c219f7571e094746.jpg)
Dòng tiền kinh doanh chính của Địa ốc Hoàng Quân ghi nhận âm kỷ lục 1.718,1 tỷ đồng.
Được biết, năm 2024, công ty lên kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng 520% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, tăng 18,23 lần so với thực hiện trong năm 2023.
Mặc dù lợi nhuận năm 2024 tăng mạnh so với 2023 và đạt mức cao nhất 5 năm, công ty vẫn không thể hoàn thành kế hoạch 2.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lợi nhuận. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp, ban lãnh đạo doanh nghiệp không đạt cam kết với ĐHĐCĐ.
Trên bảng cân đối kế toán, sau khi tăng vốn và tăng vay nợ, tổng tài sản công ty đã vượt 10.100 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính biến động mạnh: Tiền mặt còn 42 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng hơn gấp đôi, đạt 1.250 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng thêm 2.000 tỷ đồng, lên 6.300 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của công ty ghi nhận 4.711,8 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm. Tổng nợ vay tài chính ngắn và dài hạn tăng vọt từ 61,5 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 1.744 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay tài chính dài hạn với 1.013 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận khoản này.
Đáng chú ý, trong năm 2024, dòng tiền kinh doanh chính của Địa ốc Hoàng Quân ghi nhận âm kỷ lục 1.718,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 69,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.801,9 tỷ đồng, chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ.
Được biết, trước khi hợp nhất CTCP Đầu tư Thành Phố Vàng, từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của Địa ốc Hoàng Quân âm lớn như năm 2024. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là 2015 với giá trị âm 808,33 tỷ đồng.
Với tình hình này, Hoàng Quân tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn về tài chính.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, cơ cấu cổ đông công ty xuất hiện 2 cá nhân là Phan Thị Thanh Ngà và Nguyễn Thị Ngọc lần lượt nắm 27 và 25 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,68% và 4,34% theo số vốn điều lệ mới.
Hiện, chỉ riêng 2 nữ “đại gia bí ẩn” này đã góp vào Địa ốc Hoàng Quân 520 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, ông Nguyễn Văn Hà thoái sạch gần 17,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,66% vốn công ty.
Ông Nguyễn Văn Hà lần đầu xuất hiện trên BCTC của công ty vào cuối năm 2023. Thời điểm này, Chủ tịch Trương Anh Tuấn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Diệu Phương và Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân - doanh nghiệp liên quan tới Chủ tịch đều thoái hết vốn.
Như vậy, chỉ sau 1 năm nắm giữ lượng lớn cổ phần HQC, ông Nguyễn Văn Hà đã thoái toàn bộ vốn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HQC vẫn trong xu hướng trượt dài: từ ngày 18/3/2024 đến phiên 11/2/2025 đã giảm tới 31,3% từ 4.500 đồng/cp về 3.090 đồng/cp.