Bộ trưởng Lương Tam Quang: Phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của Việt Nam chưa đến mức đột phá. Chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng.
Chiều 11/2 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_197_51451069/7f8fe8e7dda934f76db8.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 43, thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc. Dưới góc độ an ninh quốc gia, việc phát triển khoa học công nghệ là tất yếu. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi về những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nguy cơ, thách thức thứ nhất là sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá.
"Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng", Bộ trưởng Lương Tam Quang chỉ rõ.
Thứ hai là hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. An ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Theo Đại tướng Lương Tam Quang, số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, rồi tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng. Trong khi phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Từ thống kê của Hiệp hội An ninh mạng và Hiệp hội Dữ liệu cùng thực trạng thời gian vừa qua, có những thứ biết được là mất, có những thứ sẽ không phát hiện được. Thách thức này liên quan đến vấn đề đầu tư, nghiên cứu.
![Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_197_51451069/0c739c1ba955400b1944.jpg)
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị.
Thách thức thứ ba là nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, phải thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhưng trong quá trình này, phải tránh gây bất lợi cho Việt Nam. "Không phải chúng ta không quản được thì cấm, chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có chính sách để làm chủ công nghệ, làm chủ được quá trình khai thác. Có những cái chúng ta phải đặt hàng, phải chỉ định, và chúng ta bảo hộ được quyền đấy", ông Quang nhấn mạnh.
Vấn đề thứ tư được Bộ trưởng Bộ Công an chỉ ra là rủi ro về môi trường, xã hội, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình sản xuất công nghệ cao, nguy cơ bất ổn xã hội do sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và nhóm dân cư.
Tập trung nghiên cứu phát triển để làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt
Để tận dụng, tranh thủ tối đa thời cơ, đẩy lùi những nguy cơ thách thức, góp phần phát triển đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng.
Phát triển công nghiệp an ninh ứng dụng gắn chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia. Trong đó công nghiệp an ninh mạng, dữ liệu lớn là trụ cột quan trọng của công nghiệp an ninh. "Chúng ta phải tập trung nghiên cứu phát triển để làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng này. Nếu chúng ta muốn làm chủ thì không cách nào khác là phải đặt hàng và chính chúng ta phải tập trung nghiên cứu và nắm được công nghiệp an ninh ứng dụng gắn với công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia", Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ.
Thứ hai, phải hoàn thiện chính sách quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ và sản phẩm công nghệ cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, khi nghiên cứu làm chủ được rồi nhưng đưa vào thực tiễn để thực hiện rất khó, Việt Nam hiện nay đang đi mua, đấu thầu lựa chọn tất cả các thứ. Nếu đặt hàng, nghiên cứu và có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào khoa học công nghệ.
Kiến nghị thứ ba là phải tạo được bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng cần có chính sách đột phá, cần một nguồn nhân lực rất lớn và không ai khác là phải tự đào tạo.
"Lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ quan sát tình hình và từ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà khoa học, các tập đoàn, các tổng công ty cùng đặt hàng nghiên cứu và phát triển công nghệ khoa học ứng dụng và sẽ có những biện pháp bảo vệ, bảo hộ với những sản phẩm này", Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu.