Cần một 'chiến dịch' để du lịch bứt phá
Ngay từ đầu năm 2025, hoạt động du lịch diễn ra sôi động trên khắp cả nước, các địa phương tích cực tổ chức các chương trình hấp dẫn và các hoạt động kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách thăm quan, trải nghiệm. Nhờ vậy, ngành du lịch đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong tháng 1, đặc biệt là khoảng thời gian Tết Nguyên đán.
Nhiều tỉnh, thành doanh thu du lịch tăng mạnh
Thống kê từ 25/1- 2/2/2025 (kỳ nghỉ Tết), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Trong dịp Tết, nhiều tỉnh thành cũng công bố doanh thu đạt nghìn tỷ đồng từ du lịch. Trong đó TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với doanh thu ước tính đạt 7.690 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ 2024. Đứng thứ hai là Hà Nội với 3.530 tỷ đồng, tăng gần 8%. Tương tự, Quảng Ninh cũng có bước nhảy vọt về doanh thu với 2.665 tỷ đồng, tăng trưởng 71% so với cùng kỳ…
Trong tháng 1 vừa qua, du lịch Việt cũng ghi nhận sự tăng trưởng về lượng khách quốc tế, với việc lập kỷ lục mới 2,1 triệu lượt khách ngoại, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2024. Các chuyên gia đánh giá, thành công này là nhờ những nỗ lực của toàn ngành thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch châu Á phục hồi ở mức thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống thể chế, đồng thời tích cực đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, từ thị trường, nội dung, phương thức cho đến quy mô. Ngành du lịch được đánh giá là đã khai thác hiệu quả cơ chế hợp tác công-tư, trong đó sự tham gia tích cực của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp được coi là “điểm sáng” của hoạt động du lịch.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua, sự ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, có thể tin tưởng vào sức bật của ngành này. Thời gian tới, du lịch Việt Nam luôn sẵn sàng tâm thế bước vào thời kỳ phát triển mới với động lực mới, sức bật mới. “Những kết quả nêu trên đã chứng tỏ sức hút của ngành, du lịch Việt Nam cũng đứng trước vận hội mới để khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, lãnh đạo Cục Du lịch bày tỏ kỳ vọng.
Không nên ngủ quên trên chiến thắng
Tuy vậy, du lịch không nên “ngủ quên” trên những thành tích nổi bật của năm 2024 và đầu năm 2025. Bởi ngành du lịch nước ta đang vươn mình thành “mũi nhọn” thì du lịch nhiều nước chắc chắn cũng không đứng yên. Đơn cử như Thái Lan, Bộ Du lịch và Thể thao nước này cho biết đã chào đón 3,7 triệu lượt du khách nước ngoài tới tham quan trong tháng đầu tiên của năm 2025, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với Việt Nam về lượng khách quốc tế trong tháng 1 thì nước bạn đã cao hơn. Đồng thời, con số mục tiêu 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 của Việt Nam là thấp nếu so với mục tiêu đón du khách nước ngoài từ 39 triệu lên 40 triệu lượt người của Thái Lan.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng hiện nay các điểm đến nước ngoài đang tiếp tục được nhiều người Việt quan tâm, nhất là trong dịp Tết vừa qua. Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh thực tế, các tour nước ngoài bán chạy, còn tour nội địa vẫn “ngóng khách”. Đại diện Công ty Vietluxtour từng cho biết, thời điểm sát Tết Ất Tỵ vừa qua nhiều tuyến ra nước ngoài được du khách quan tâm tìm kiếm, nhất là các thị trường Đông Bắc Á đang gia tăng sức thu hút với du khách Việt, trong khi thị trường nội địa đang chịu khá nhiều áp lực cạnh tranh vì giá dịch vụ còn khá cao.
Nhìn lại năm 2024, theo Tổng cục Thống kê thì kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 12,19 tỷ USD, tăng 33,1%; nhưng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ du lịch đã lên tới 12,57 tỷ USD, tăng 60,6%; đồng nghĩa Việt Nam ghi nhận mức nhập siêu lớn ở lĩnh vực này. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các điểm du lịch trong nước chưa có chính sách thu hút khách du lịch nội địa. Vào mùa du lịch cao điểm giá vé máy bay nội địa của các hãng hàng không trong nước cao hơn giá vé máy bay quốc tế đi, đến Việt Nam của các hãng hàng không nước ngoài.
Theo giới chuyên môn, ngành du lịch năm 2025 cần thực hiện một chiến dịch đồng bộ, đưa ra các mức ưu đãi về vé máy bay và nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan và phương tiện di chuyển… góp phần tác động tích cực vào giá tour, qua đó góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm du lịch nội địa trên sân nhà. Đồng thời, để đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, hướng tới cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ, du lịch trong nước, phải tìm cách nâng tầm trải nghiệm, tạo ra những sản phẩm du lịch có sức hút đối với du khách. Đó là sự tổng hợp của các yếu tố hấp dẫn từ văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, cảnh quan, cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó là cải thiện chính sách thị thực, phát triển kinh tế ban đêm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra nhiều trải nghiệm mới để giữ chân khách du lịch trong và ngoài nước, tạo đà để hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra của ngành trong năm 2025.