Cần có chính sách đủ mạnh để phát triển ngành Công nghiệp Công nghệ số

Sáng 23/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật Công nghiệp công nghệ số. Theo đó, Dự thảo gồm 08 Chương, 73 Điều, thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.

Theo đó, đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, Trí tuệ nhân tạo (AI) và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.

Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển Công nghiệp Bán dẫn trong từng thời kỳ; quy định chi tiết nội dung về AI cũng như loại hình, quản lý tài sản số.

Quy định thẩm quyền cho phép thử nghiệm theo hướng phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, các Bộ ngành. Cơ quan, cá nhân tham gia trực tiếp đến thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá được loại trừ trách nhiệm; doanh nghiệp tham gia thử nghiệm mà có xảy ra rủi ro do khách quan thì được miễn trừ trách nhiệm pháp luật, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với khách hàng, đồng thời quy định nhiều ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, cần có chính sách đủ mạnh, có yếu tố cốt lõi để phát triển ngành. Với quản lý tài sản số, là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Dự thảo phải quy định rõ về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, đánh giá tác động của việc thành lập khu công nghệ số cũng như rà soát các quy định về ưu đãi.

Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung các chính sách khả thi như thu hút đầu tư nước ngoài, vốn, ưu đãi thuế, cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cần nghiên cứu, bổ sung một số quy định về giới hạn thử nghiệm, cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với công nghiệp bán dẫn, cần có chính sách ưu đãi vượt trội đối với chuyên gia, nhà khoa học; quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao, chuyển giao công nghệ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-co-chinh-sach-du-manh-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-cong-nghe-so-243936.htm
Zalo