Đầu tư xanh là 'chìa khóa' hướng tới Net Zero tại Việt Nam
Để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới Net Zero, các chuyên gia và cơ quan hữu quan cho rằng cần ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế pháp lý rõ ràng, thuận lợi để khơi thông dòng vốn cho tăng trưởng xanh.
Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” (diễn ra tại 3 miền Bắc - Trung – Nam) được tiếp tục tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 26/11. Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức và sự quan tâm của các nhà đầu tư về cơ hội đầu tư xanh và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án thân thiện với môi trường thông qua các công cụ tài chính xanh.
Tại hội thảo, ông Đoàn Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đang đối mặt với những thách thức lớn về nước biển dâng, thiên tai, thời tiết cực đoan và các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc thúc đẩy đầu tư xanh và phát triển thị trường tài chính xanh trở thành một yếu tố then chốt trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero.
Theo ông Giang, để thực hiện các cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050 và cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp, Việt Nam đã xây dựng NDC với quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030.
TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cũng nhìn nhận, để thúc đẩy tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng thông qua các chương trình truyền thông và giáo dục. Đây là nền tảng quan trọng để xã hội hiểu rõ vai trò của tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều cần thiết. Cần xây dựng danh mục phân loại các lĩnh vực xanh, cùng với đó là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tài chính tham gia. Một lộ trình thực thi phù hợp cũng cần được thiết lập, đảm bảo khả năng triển khai linh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng vùng miền, lĩnh vực và địa phương.
Ngoài ra, cho phép thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá cho tín dụng xanh, tài chính xanh. Đồng thời, ban hành thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính và tổ chức các ủy ban, nhóm công tác liên ngành để phối hợp thực hiện các chương trình một cách đồng bộ và hiệu quả.