Sản xuất công nghiệp giữ vững nhịp tăng trưởng
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong 10 tháng năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tính tăng 15,72% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 16,23%. Nhiều lĩnh vực có sự tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh như: Sản xuất phương tiện vận tải tăng 27,4%; thiết bị điện tăng 50,46%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18,99%; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,29%; chế biến thực phẩm tăng 17,59%...
Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh trong 10 tháng năm 2024 có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023, như dây điện; linh kiện, thiết bị điện tử; quần áo may sẵn; thịt lợn, gà tươi hoặc ướp lạnh; sữa các loại; thức ăn chăn nuôi… với mức tăng trưởng từ 6,5% đến xấp xỉ 36%.
Tại Công ty cổ phần Casla – doanh nghiệp chuyên sản xuất túi siêu thị xuất khẩu tại Khu Công nghiệp (KCN) Châu Sơn (thành phố Phủ Lý), năm 2024, ước doanh thu của công ty tăng trên 20% so với năm 2023. Quy mô, số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp liên tục phải tuyển thêm lao động. Casla cũng đang triển khai xây dựng thêm nhà máy mới tại KCN Châu Sơn với tổng vốn đầu tư 790 tỷ đồng - một trong những dự án có quy mô lớn sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025, kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Viết Thạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Casla cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, sức mua được cải thiện đáng kể. Điều này đã tạo thuận lợi để Casla mở rộng thị trường tiêu thụ mặt hàng túi siêu thị. Hiện tại, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất để hoàn thành đơn hàng trong năm 2024 và chuẩn bị thực hiện những đơn hàng mới cho những tháng đầu năm 2025. Dự kiến, năm 2025, khi nhà máy mới đi vào hoạt động, Casla sẽ tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động để đáp ứng tiến độ sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ lên từ 30-50% so với hiện nay.
Qua tìm hiểu được biết, tại hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong KCN của tỉnh, doanh thu và sản lượng tiêu thụ hàng hóa tiêu thụ trong năm 2024 đều có sự bứt phá so với năm 2023. Tại các KCN, nếu như năm 2023, nhiều mặt hàng chủ lực không đạt sản lượng tiêu thụ so với kế hoạch năm thì năm 2024, tình trạng này đã được cải thiện. Đa phần các doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, họ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng như năm trước. Để đáp ứng yêu cầu tiến độ các đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp đã phải tuyển thêm lao động. Riêng trong 10 tháng năm 2024, Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tăng trên 10% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 15%.
Với tốc độ tăng trưởng được duy trì ổn định từ đầu năm đến nay, theo ngành chức năng, tính chung cả năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 248.253,3 tỷ đồng, tăng 17,54% so với năm 2023 và đạt 109,6% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản đều đạt kế hoạch năm và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng khá của sản xuất công nghiệp trong năm 2024 đã góp phần nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước tính trong giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn tỉnh đạt trên 789.400 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN của tỉnh ước đạt trên 553.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).
Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2021-2024, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN của tỉnh duy trì đà tăng trưởng khá với mức tăng bình quân trên 15%/năm. Có được kết quả đó là do trong những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về vị trí, hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics; thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng KCN bảo đảm đúng tiến độ, đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ KCN nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư.
Nhờ đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trong những năm qua liên tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng và trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất công nghiệp cũng phản ánh rõ hiệu quả công tác thu hút đầu tư, phát triển mới doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 762 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký là 9.794,8 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có 9.753 doanh nghiệp đăng ký thành lập (trong đó có khoảng 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động) với tổng số vốn đăng ký là 191.703,8 tỷ đồng. Ước tính năm 2024, tỉnh thu hút được 80 dự án (bằng 131% so với cùng kỳ 2023).
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Hà Nam nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2025 cũng là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, là năm có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phát triển.
Cùng với đó, quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp... tạo môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.