'Cai nghiện' đồ uống có đường
Hỏi: Đa số các thành viên trong gia đình tôi đều 'mê' các loại đồ uống có đường, từ nước ngọt có ga, trà sữa đến cà phê pha sẵn...
Xin hỏi bác sĩ uống nhiều đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và có cách nào để “cai nghiện” các loại đồ uống có đường hấp dẫn này? Hoàng Thu Linh (quận Đống Đa, Hà Nội)
Đáp: Ở nước ta, đồ uống có đường không chỉ phong phú về thể loại mà còn được bán với giá rất rẻ, do đó nhiều người có thói quen sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, đáng lo ngại, đồ uống có đường có thể gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe của người dùng như nguy cơ thừa cân béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và các bệnh tim mạch, các bệnh về lâu dài ảnh hưởng đến tiết niệu và thận, cùng với đó là những ảnh hưởng của hệ xương khớp, răng, thần kinh, hệ tiêu hóa...
Theo khuyến cáo của WHO, nếu tiêu thụ lượng đường đơn, đường đôi vượt quá 50gr/ngày đối với người trưởng thành, vượt quá 25gr/ngày đối với trẻ em, tần suất sử dụng thường xuyên 3 - 5 lần/tuần, thì sau 18 tháng sẽ có nguy cơ thừa cân béo phì và tăng 26% nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Đối với trẻ em nguy cơ mắc bệnh nếu dùng quá mức cho phép còn tăng lên nhanh và nhiều hơn, do vậy, nếu chúng ta không kiểm soát tần suất tiêu thụ mỗi ngày, chắc chắn sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe.
Trên trang web của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã có những hướng dẫn giúp người dân tự kiểm soát và hạn chế đồ uống có đường.
Đối với người trưởng thành, khi khát có thể dùng nước lọc, nước đun sôi để nguội, các loại trà thảo dược, các loại nước dân gian hay dùng.
Đối với trẻ em nên lựa chọn nhóm đồ uống có ít đường, lựa chọn nhóm thực phẩm tự nhiên và không nên cho thêm đường; hạn chế cho trẻ ăn vặt, nếu có ăn vặt nên chọn các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa không đường.