Các nhà khoa học nghiên cứu cách rót nước pha cà phê tạo hương vị tốt nhất

Cách pha cà phê ngon hơn hóa ra cũng có quy tắc khoa học. Các hiểu biết về vật lý và hóa học sẽ giúp ta giải thích được điều này.

Rót nước pha cà phê là một nghệ thuật đòi hỏi "nghệ nhân" pha cà phê phải hiểu rõ kiến thức về hóa học, vật lý và động lực học

Rót nước pha cà phê là một nghệ thuật đòi hỏi "nghệ nhân" pha cà phê phải hiểu rõ kiến thức về hóa học, vật lý và động lực học

Việc pha cà phê là một phần trong thói quen thường nhật của nhiều người. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải chi nhiều tiền cho các loại cà phê hảo hạng nếu muốn cải thiện chất lượng tách cà phê mỗi ngày. Đôi khi, tất cả những gì bạn cần chỉ là một hiểu biết cơ bản về sự kết hợp giữa hóa học vật lý và động lực học chất lỏng trong phương pháp rót.

Nghe có vẻ phức tạp, nhưng một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania công bố ngày 8/4 trên tạp chí Physics of Fluids khẳng định: thực ra không đến mức như vậy. Họ đã thí nghiệm: thay bã cà phê bằng gel silica và sử dụng camera siêu tốc

Để hiểu rõ hơn về các tương tác vi mô và động lực bên trong trong quá trình rót nước sôi khi pha cà phê, nhóm nghiên cứu đã thay thế bã cà phê mờ đục bằng các hạt gel silica trong một phễu thủy tinh. Sau đó, họ sử dụng một tấm laser và máy quay siêu tốc để ghi lại chi tiết cách các hạt mịn – như bột cà phê – phản ứng với dòng nước được rót từ ấm cổ ngỗng ở nhiều độ cao và áp lực khác nhau.

Kết quả nhanh chóng cho thấy: bí quyết để pha được cà phê ngon khi rót nước sôi là tạo ra hiệu ứng “tuyết lở” (avalanche effect) trong lớp bột cà phê – hiện tượng này đạt được tốt nhất khi kết hợp giữa chiều cao đổ nước và cường độ dòng chảy.

Độ cao nước rót từ trên xuống đóng vai trò then chốt

Đồng tác giả nghiên cứu Ernest Park giải thích: “Chúng tôi khuyến nghị nên rót nước từ vị trí cao nhất có thể, miễn là vẫn giữ được dòng chảy tầng – tức dòng nước không bị đứt đoạn khi va chạm vào bột cà phê,”.

Việc rót nước đều tay từ độ cao lớn giúp lớp bột cà phê bên dưới bị xáo trộn, dịch chuyển và tuần hoàn – nhờ đó nước thấm sâu hơn vào lớp "lót cà phê" (coffee bed). Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, mặc dù phương pháp này thường tạo ra một lớp bột nổi trên mặt nước, hiện tượng đó không ảnh hưởng đáng kể đến quá trình pha trộn. Tuy nhiên, nếu dòng nước quá yếu, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chiết xuất hương vị.

Đồng tác giả Margot Young lưu ý thêm: “Nếu dòng nước quá mỏng, nó có xu hướng bị vỡ thành từng giọt, điều mà bạn cần tránh trong quá trình rót, bởi lẽ dòng nước như vậy sẽ không đủ lực để khuấy trộn hiệu quả bột cà phê”.

Hiệu ứng tuyết lở giúp kéo dài thời gian trộn – nâng cao chiết xuất

Nhóm nghiên cứu kết luận: “Các kết quả cho thấy việc chiết xuất hương vị cà phê có thể được tối ưu hóa bằng cách kéo dài thời gian khuấy trộn, thông qua những lần rót chậm hơn nhưng hiệu quả hơn, nhờ hiệu ứng tuyết lở”.

Pha cà phê ngon hơn – và thân thiện với môi trường hơn

Áp dụng chiến lược này không chỉ giúp bạn có một tách cà phê đậm đà và thơm ngon hơn, mà còn là giải pháp bền vững hơn cho môi trường. Con người tiêu thụ hàng chục tỉ USD cà phê mỗi năm, nhưng ngành cà phê hiện tại không thể duy trì tốc độ đó mãi mãi. Biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng các vùng trồng cà phê lớn như Ethiopia và Brazil.

Phương pháp rót nước pha cà phê dựa trên nghiên cứu khoa học như của Park và Young không chỉ cho hương vị cà phê ngon hơn, mà còn giảm lượng hạt cần dùng trong mỗi lần pha.

Họ viết: “Thay vì tăng lượng hạt cà phê, chúng ta có thể điều chỉnh hương vị và độ đậm đặc của cà phê bằng cách thay đổi lưu lượng và độ cao khi rót nước. Bằng cách này, hiệu suất chiết xuất có thể được kiểm soát tốt hơn, từ đó giúp giảm áp lực lên nguồn cung cà phê toàn cầu”.

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-nha-khoa-hoc-nghien-cuu-cach-rot-nuoc-pha-ca-phe-tao-huong-vi-tot-nhat-231326.html
Zalo