Phát hiện 'nhà máy' 1,5 triệu năm tuổi có thể làm thay đổi lịch sử tiến hóa của loài người
Một phát hiện khảo cổ học chấn động vừa được công bố có thể khiến lịch sử tiến hóa của loài người phải viết lại: cách đây tới 1,5 triệu năm, trước cả khi Homo sapiens – loài người hiện đại – xuất hiện, tổ tiên xa xưa của chúng ta đã vận hành một dạng 'nhà máy' sản xuất công cụ thô sơ nhưng đầy ấn tượng.
Tại hẻm núi Olduvai, nằm trong Khu bảo tồn Ngorongoro của Tanzania một di sản thế giới được UNESCO công nhận các nhà khoa học đã phát hiện 27 công cụ bằng xương được chế tạo công phu từ chân của các loài động vật lớn như voi và hà mã. Đặc biệt, các công cụ này mang dấu vết của một quy trình sản xuất có hệ thống, gần như một xưởng chế tác tiền sử.
Khám phá này được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Ignacio de la Torre thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), và được công bố trên tạp chí khoa học danh giá Nature.
Những công cụ này không phải là sản phẩm ngẫu nhiên. Chúng được tạo hình có chủ đích, cho thấy một trình độ kỹ thuật và tư duy chế tác vượt xa những gì giới khoa học từng hình dung về con người cổ đại. Trước đây, các chuyên gia tin rằng việc sử dụng xương như công cụ chỉ xuất hiện khoảng 500.000 năm trước nhưng phát hiện ở Olduvai đã đẩy lùi mốc này tận một triệu năm.

Một trong các công cụ xương được tạo ra bởi một loài người cổ đại bí ẩn ở Tanzania - Ảnh: NATURE
“Họ đã mở rộng kiến thức về công nghệ chế tác đá sang vật liệu xương điều cho thấy khả năng nhận thức và tư duy sáng tạo cực kỳ phát triển”, TS. Torre nhận định.
Đồng tác giả nghiên cứu, TS. Renata Peters từ University College London (Anh), nhấn mạnh rằng kỹ thuật gia công xương ở đây không chỉ đơn giản là đập vỡ mà là một quá trình có chủ đích, chính xác, và mang tính chuẩn hóa. “Đây là một mức độ nhận thức phức tạp chưa từng thấy ở bất kỳ di chỉ cùng thời nào khác,” bà nói.
Phát hiện này được đặt trong bối cảnh loài người cổ đại đang bước vào thời kỳ Acheulean, bắt đầu khoảng 1,7 triệu năm trước, nổi bật với các công cụ rìu tay được chế tác tinh vi hơn. Tuy nhiên, việc tìm thấy các công cụ bằng xương ở giai đoạn này cho thấy nền tảng công nghệ thời tiền sử phức tạp hơn nhiều so với suy đoán trước đó.
Từ trước đến nay, các công cụ bằng đá thuộc thời kỳ Oldowan (2,7–1,5 triệu năm trước) được xem là minh chứng đầu tiên cho sự phát triển tư duy công cụ của tổ tiên loài người. Nhưng việc phát hiện ra một dây chuyền sản xuất công cụ bằng xương đã buộc các nhà khoa học phải xem xét lại mốc tiến hóa của trí tuệ con người.
Nếu tổ tiên của chúng ta đã biết tận dụng xương một vật liệu khó xử lý hơn đá để tạo ra công cụ có chủ đích, điều đó đồng nghĩa với việc năng lực tư duy, sáng tạo và học hỏi của họ đã phát triển sớm hơn hàng trăm nghìn năm so với những gì chúng ta từng tin.